Để bảo đảm phục vụ nhanh chóng nhu cầu người dân, các doanh nghiệp đã chủ động tăng cường 25% đến 30% quầy thanh toán, tăng cường bán hàng qua mạng, điện thoại và giao hàng tại nhà… Từ ngày 8/2 (tức mồng 4 Tết), đa số siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích đã mở cửa trở lại, giá cả ổn định so với thời điểm trước Tết.
Người dân mua hàng Tết tại siêu thị
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, lượng hàng hóa tại các điểm bán hàng đều được tăng cường 35% đến 40% so với ngày thường để phục vụ nhân dân mua sắm Tết. Lượng khách đến mua sắm tăng khoảng 20% đến 25% so với đầu tháng 1/2019. Mặt hàng được mua nhiều trong những thời điểm này chủ yếu là các loại giỏ quà tặng, bánh kẹo, hoa quả, bia - rượu và các mặt hàng nhu thiết yếu tươi sống cho dịp lễ ông Công, ông Táo. Từ ngày 24 tháng Chạp, lượng khách đến mua sắm tại hệ thống các siêu thị lớn, cửa hàng tiện ích đông, tăng 30% đến 40% so với thời điểm trước đó.
Sở Công Thương Hà Nội cho hay, ước giá trị hàng hóa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP đã cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đạt gần 29,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% so với kế hoạch và tăng trung bình khoảng 7% so với Tết 2018.
Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tỷ lệ người dân đến mua sắm tại các kênh phân phối bán lẻ hiện đại như thương mại điện tử, chuỗi cửa hàng tiện lợi đan xem tại các khu dân cư tăng 10-15% so với Tết 2018 giúp giảm bớt áp lực mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn và hệ thống các chợ truyền thống.
Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới các điểm bán hàng, các doanh nghiệp phân phối bán lẻ đã chủ động lựa chọn các điểm bán hàng mở cửa trở lại phục vụ người dân dịp trước, trong và sau Tết. Việc này giúp hạn chế tình trạng lợn dụng đẩy giá bán lên cao tại các chợ truyền thống. Giá bán tương đối ổn định, không có tình trạng tăng giá đột biến.
Hằng Vương(T/h)