Kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc
Trong tháng Năm, tình hình buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn đã được các lực lượng chức năng Hà Nội tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về nhãn, niêm yết giá bán hàng hóa, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ… vẫn còn xảy ra.
Đặc biệt, trong “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm”, các lực lượng chức năng Hà Nội đã phát hiện và xử lý một số vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm.
Điển hình trong tháng, Cục Quản lý thị trường thành phố chủ trì phối hợp với Phòng cảnh sát môi trường (công an Hà Nội) phát hiện và thu giữ hàng trăm thùng kẹo không hóa đơn chứng từ, đang được sang bao, đóng gói thành kẹo có xuất xứ Nhật Bản cùng với máy móc được sử dụng trong hoạt động sang bao đóng gói.
Kết quả, trong tháng Năm, các lực lượng chức năng Hà Nội đã kiểm tra 1.939 vụ; xử lý 1.636 vụ. Khởi tố 11 vụ đối với 13 đối tượng. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu 211 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 50 vụ; gian lận thương mại 1.375 vụ. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước 202,880 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội: Trong tháng 5, các sở, ngành thành viên trong Ban chỉ đạo 389 Thành phố và Ban chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã:
Thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, UBND Thành phố, Ban chỉ đạo 389 Thành phố về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, nắm địa bàn và lên kế hoạch kiểm tra, kiểm soát đối với các nhóm, ngành hàng thiết yếu.
Xác định rõ các địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quản lý và tổ chức đấu tranh ngăn chặn, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn phối hợp kiểm tra, kiểm soát hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại trên địa bàn quản lý.
Các lực lượng chức năng, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về công tác chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh xã, phường, chợ, trung tâm thương mại và siêu thị.
Ban chỉ đạo 389 Hà Nội luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ chính trị; các sở, ngành thành viên và Ban chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội để thực hiện tuyên truyền đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong đó, các đơn vị đã chủ động phối hợp với 13 cơ quan báo chí, truyền hình của Trung ương và Thành phố và một số cơ quan báo chí khác để thực hiện đăng tin, viết bài, phát sóng nhằm kịp thời phản ánh kết quả, hoạt động đấu tranh của các cơ quan chức năng, các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng để người dân cảnh giác, chung tay đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Đạt nhiều kết quả khả quan
Để đạt những kết quả khả quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, trong tháng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội - với vai trò là Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Thành phố đã tham mưu cho lãnh đạo Ban chỉ đạo triển khai, theo dõi, đôn đốc các sở, ngành thành viên và Ban chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
Cục ban hành các văn bản chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, vi phạm về niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết; bày bán công khai hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... nhất là trong thời điểm diễn ra các hoạt động của Seagames 31.
Trong tháng, Cục kiểm tra 400 vụ, xử lý 350 vụ. Phạt hành chính 4,182 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 8,306 tỷ đồng.
Công an Hà Nội, chỉ đạo lực lượng công an trực thuộc tăng cường công tác nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng vận chuyển, buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu trên địa bàn; Tập trung đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm... kịp thời điều tra làm rõ, đề nghị truy tố các vụ án liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do các cơ quan chức năng khác chuyển đến.
Trong tháng, đơn vị phát hiện, bắt giữ 180 vụ, xử lý 132 vụ. Phạt hành chính 1,421 tỷ đồng; truy thu thuế 6,764 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 787 triệu đồng. Khởi tố 11 vụ đối với 13 đối tượng.
Cục Hải quan, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan; tăng cường công tác thu thập thông tin, kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm Hải quan quản lý; Tập trung kiểm tra các mặt hàng trọng điểm như hàng cấm (ma túy, vũ khí, sản phẩm động vật hoang dã, văn hóa phẩm phản động, linh kiện, thiết bị điện tử đã qua sử dụng), hàng xuất nhập khẩu có điều kiện (dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, tiền, kim loại quý, xăng dầu, máy móc, thiết bị y tế đã qua sử dụng), hàng có thuế suất cao (thuốc lá, rượu, bia, điện thoại di dộng), hàng hóa tiêu dùng như bánh kẹo, thực phẩm đông lạnh, gia súc, gia cầm.
Cùng với đó, Cục chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng khác để chia sẻ thông tin nhằm đấu tranh phát hiện, bắt giữ các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm qua biên giới vào Việt Nam.
Trong tháng, Cục phát hiện, bắt giữ, xử lý 89 vụ, phạt hành chính 435 triệu đồng; truy thu thuế 68 triệu đồng; trị giá hàng vi phạm hơn 6 tỷ đồng...
Nguyễn Kiên