THCL - Vừa qua, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp TP Hà Nội và các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Đông Anh tổ chức diễn tập điều tra, thực hành các biện pháp xử lý vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại Công ty Canon Việt Nam.

Hà Nội: Diễn tập điều tra, thực hành các biện pháp xử lý ngộ độc thực phẩm tập thể - Hình 1

Diễn tập, tình huống giả định

Phát biểu khai mạc buổi diễn tập, TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trước tình hình số lượng các vụ ngộ độc tập thể không tăng mạnh nhưng lại tăng về quy mô ở các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX), có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Trung bình mỗi năm, toàn quốc ghi nhận 11-25 vụ ngộ độc, làm mắc khoảng 890 – 1.860 người bị ngộ độc thực phẩm. Do đó, buổi tập huấn được tổ chức để trang bị những kỹ năng thuần thục cho cán bộ y tế nhằm chuẩn hóa quy trình xử lý ngộ độc thực phẩm, hạn chế những sai sót, lúng túng xảy ra khi có tình huống thực tế. Hoạt động diễn tập với 2 mục tiêu chính là mô hình hóa công tác “Tổ chức chỉ đạo, phối hợp triển khai” hoạt động điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm tập thể có nhiều người mắc; thực hành triển khai các “Biện pháp kỹ thuật” trong các quy trình kỹ thuật khám phân loại, sơ cứu, điều trị bệnh nhân, điều tra vụ ngộ độc, lấy mẫu bảo quản mẫu bệnh phẩm, mẫu thức ăn, xử lý vệ sinh và tẩy trùng môi trường trong vụ ngộ độc tập thể nhằm kiểm soát, xử lý hiệu quả ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể đông người.

Tình huống giả định, xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với hàng trăm người mắc tại Công ty Canon Việt Nam, địa chỉ Lô 1A, KCN Thăng Long, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. Cụ thể, 8 giờ 30 phút sáng, sau khi công nhân ăn sáng tại nhà ăn Công ty Canon Việt Nam, hàng chục công nhân đang làm việc có biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, nôm nhiều, một số người có biểu hiện đau bụng và kèm theo tiêu chảy. Các công nhân được đưa vào phòng y tế của công ty. Nhân viên y tế công ty tiến hành khám sàng lọc, đo huyết áp, xét nghiệm lâm sàng, cho truyền dịch đối với những bệnh nhân nặng. Ngày càng nhiều bệnh nhân có biểu hiện tương tự được đưa lên phòng y tế của công ty.

Qua phân tích, đánh giá và chẩn đoán sơ bộ, công ty kết luận các công nhân bị mắc ngộ độc thực phẩm.

Ngay lập tức, bác sĩ phụ trách phòng y tế công ty gọi điện báo với Ban an toàn thực phẩm của Công ty Canon về tình hình ngộ độc thực phẩm của các công nhân; đề nghị báo cáo gấp với lãnh đạo và các phòng ban hỗ trợ, phối hợp triển khai cấp cứu, xử lý, vận chuyển bệnh nhân theo phương án “Xử lý, điều tra vụ ngộ độc thực phẩm đông người mắc tại công ty”. Đồng thời, gọi điện báo cáo tình hình sự cố với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội, TTYT huyện Đông Anh và đề nghị hỗ trợ lực lượng, trang thiết bị để xử lý.

Ngay khi nhận được thông tin, lãnh đạo Chi cục Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP  báo cáo với lãnh đạo Sở Y tế. Lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo triển khai 4 đội sơ cấp cứu, điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm với trang thiết bị, hóa chất, vật tư và thuốc; 2 xe cứu thương của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội, TTYT Dự Phòng Hà Nội, TTYT huyện Đông Anh, Bệnh viện đa khoa huyện Đông Anh phối hợp với Công ty Canon khẩn trương triển khai cấp cứu, điều trị, vận chuyển bệnh nhân theo phương án “Xử lý và điều tra vụ ngộ độc đông người mắc trên địa bàn huyện Đông Anh”.

Nhận được sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, đội sơ cấp cứu điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm nhanh chóng được thành lập và có mặt tại công ty. Đội được chia làm 3 tổ. Các tổ đã nhanh chóng di chuyển vào vị trí theo quy định và thực hiện các nhiệm vụ đã phân công.

Tổ 1 do Bệnh viện đa khoa Đông Anh làm tổ trưởng gồm 28 cán bộ thực hiện nhiệm vụ khám phân loại, cấp cứu, điều trị và tổ chức vận chuyển bệnh nhân, lấy mẫu bệnh phẩm (chất nôn, phân) của bệnh nhân ngộ độc

Tổ 2 do cán bộ TTYT Dự phòng Hà Nội làm tổ trưởng gồm 19 cán bộ làm nhiệm vụ lấy mẫu thức ăn lưu và xử lý vệ sinh môi trường trong vụ ngộ độc thực phẩm tại Phòng khám dã chiến, khu vệ sinh, bếp ăn tập thể của công ty...

 Tổ 3 do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm làm tổ trưởng gồm 13 cán bộ làm nhiệm vụ điều tra nguyên nhân bữa ăn, thức ăn, lấy mẫu thức ăn lưu, thực phẩm nghi ngờ trong vụ ngộ độc thực phẩm tại công ty, tổng hợp phân tích, viết báo cáo kết luận gửi Sở Y tế và Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) theo quy định.

Kết thúc buổi diễn tập, TS. Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đánh giá cao công tác chuẩn bị, chất lượng triển khai các nội dung diễn tập của Ban tổ chức diễn tập, của cán bộ, nhân viên các đơn vị chức năng và của Công ty Canon Việt Nam đã tham gia, thực hiện cuộc diễn tập thực địa. TS. Nguyễn Hùng Long đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cần nâng cao hơn nữa năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác xử trí, điều tra khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm có đông người mắc. Đồng thời, TS. Nguyễn Hùng Long yêu cầu các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhanh chóng xây dựng các phương án chủ động xử lý, khắc phục, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, cần thu mua thực phẩm an toàn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đảm bảo chất lượng, an toàn sức khỏe cho công nhân...

Ngay sau diễn tập, Sở Y tế Hà Nội đã kịp thời động viên, khen thưởng 7 tập thể và 17 cá nhân có thành tích xuất sắc trong buổi diễn tập.

Linh Tuệ - Theo Sở y tế Hà Nội