Hà Nội đón làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ Đức - Hình 1Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được cải thiện cơ bản và ngày càng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam cũng đang mở cửa thị trường theo cam kết hội nhập quốc tế, đặc biệt là 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký.

Theo đó, Việt Nam từng bước gỡ bỏ hạn chế trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ, viễn thông, tài chính, ngân hàng, cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia không hạn chế hoặc nâng trần giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, kể cả bán cổ phần chiến lược của DN Nhà nước cho nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam đang gỡ bỏ thủ tục cấp phép mở tài khoản và giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài, tạo thuận lợi cho giao dịch tài khoản vốn, xóa bỏ các biện pháp kiểm soát vốn không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Liên minh châu Âu (EU) hiện là một trong số các đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Là quốc gia nằm trong khối EU, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam - Đức ngày càng phát triển theo hướng bền vững. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Đức như Siemens, Mercedes, Ngân hàng Đức… đang hoạt động kinh doanh hiệu quả tại Việt nam với số vốn đầu tư lớn. Đóng góp vào kết quả này không thể không kể đến Hà Nội - điểm hấp dẫn các nhà đầu tư EU nói chung và doanh nghiệp Đức nói riêng.

Gần 113 triệu USD vốn đầu tư đăng ký vào Hà Nội

Những năm qua, làn sóng đầu tư từ Đức vào Hà Nội rất mạnh mẽ. Hiện có 70 dự án còn hiệu lực thực hiện với tổng vốn đầu tư đăng ký 112,9 triệu USD.  Con số này là không nhỏ so với tổng số khoảng 300 DN Đức đang hoạt động đầu tư vào Việt Nam.

2 tháng đầu năm 2019, TP.Hà Nội thu hút 4,01 tỷ USD (gấp 36,3 lần so với cùng kỳ năm 2018 (110,8 triệu USD). Lũy kế vốn đầu tư nước ngoài tại TP.Hà Nội là 40,6 tỷ USD (trong đó: có 4.500 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 34,05 tỷ USD và 1.803 lượt nhà đầu tư (NĐT) thực hiện góp vốn mua cổ phần).

Xét về lĩnh vực đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất với 50,75 triệu USD (chiếm 51,6%), tiếp đến là bán buôn và bán lẻ với 32,3 triệu USD (chiếm 32,7%), hoạt động chuyên môn khoa học kỹ thuật với 6,2 triệu USD (chiếm 6,3%).

Một trong những hợp tác mới nhất giữa DN Việt Nam và Đức thời gian gần đây là Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống - Dự án cung cấp nước sạch có quy mô lớn nhất miền Bắc tại Hà Nội (đã khánh thành giai đoạn 1 và đang triển khai giai đoạn 2). Nước được xử lý tại Nhà máy nước mặt sông Đuống sử dụng công nghệ hiện đại của Đức với tiêu chuẩn quốc tế "uống ngay tại vòi". Ngoài ra có thể kể đến các dự án lớn như Dự án thương mại của Công ty TNHH Zott Việt Nam (32 triệu USD), Dự án sản xuất sản phẩm nhựa của Công ty TNHH Kim loại Đông đô (12,4 triệu USD), Dự án Thyssenkroup Services (5,8 triệu USD), Dự án thương mại của Công ty TNHH Styrolution (3,5 triệu USD), Dự án sản xuất hàng may mặc và thương mại của Công ty Van Laack (2 dự án – 5 triệu USD),… Tập đoàn B.Braun đã thông qua công ty con tại Malaysia để đầu tư dự án sản xuất thiết bị y tế, dược phẩm tại Hà Nội có vốn đầu tư 101 triệu USD…

TP Hà Nội luôn xác định công tác phát triển hạ tầng kỹ thuật trong đó hệ thống cấp nước sạch, hệ thống cây xanh, công viên, hồ nước, hệ thống thu gom xử lý nước thải, vệ sinh môi trường là những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên đáp ứng nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Mục tiêu về nước sạch của TP đến năm 2020 là phấn đấu tỷ lệ người dân nông thôn có nước sạch là 100%.  Đối với việc tiêu thoát nước khu vực đô thị: Hiện nay, hệ thống thoát nước thủ đô Hà Nội mới có lưu vực sông Tô Lịch có diện tích khoảng 77,5 km2.

Để hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom xử lý nước thải đô thị và cung cấp nước sạch, Hà Nội rất mong muốn, khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có năng lực tài chính, kinh nghiệm tham gia triển khai các dự án thoát nước, xử lý nước thải, cải tạo môi trường Hà Nội, bằng những công nghệ, thiết bị mới nhất của khoa học, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu tiêu chí xây dựng thủ đô Hà Nội văn minh hiện đại.

Tại diễn đàn ngành nước Đức-Việt vừa qua, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam Christian Berger cho biết, Đức là một trong những đối tác phù hợp giúp đồng hành với Hà Nội trong định hình các chính sách đầu tư trong ngành nước. “Trước đây, nước Đức cũng từng trải qua giai đoạn ô nhiễm nặng nề, trong khi đến nay 99,8% các hộ gia đình đã được kết nối với hệ thống xử lý nước thải”, Đại sứ cho biết. 

Với 8000 cơ sở xử lý nước thải và cung cấp nước sạch công, cùng công nghệ phát triển. Đức luôn sẵn sàng hỗ trợ các đối tác trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam ở lĩnh vực này.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài

Theo khảo sát thường niên AHK World Business Outlook của Hệ thống các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức trên toàn thế giới (AHKs) vào cuối năm 2018, có tới 54% doanh nghiệp Đức muốn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong vòng 12 tháng tới và 52% muốn tuyển thêm nhân sự tại nhà máy của mình.

TS Wolfgang Manig - Trưởng phòng Kinh tế, Phó đại sứ Đức cho biết, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, doanh nghiệp Đức coi việc hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam là "cửa ngõ" để mở rộng hợp tác và đầu tư tại khu vực ASEAN. Nhà đầu tư Đức không chỉ đón đầu cơ hội từ các Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - EU mà ở cả các Hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam tham gia để tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Đức có thế mạnh và phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam như: Cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo, chế biến, năng lượng xanh và tái tạo, công nghệ môi trường…

Để tạo thuận lợi hơn nữa cho mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Đức nói riêng, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) nói chung, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã kêu gọi các chính trị gia và cùng các doanh nhân Đức thúc đẩy việc ký kết và thông qua Hiệp định Tự do Thương mại giữa Việt Nam và EU (EVFTA) trong thời gian sớm nhất.

Trong chuyến công tác tại châu Âu, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội mong muốn tăng cường hơn nữa sự hợp tác với các quốc gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư và mong hệ thống Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp Đức xúc tiến đầu tư vào Hà Nội. Hà Nội đang tập trung xây dựng nền tảng thành phố thông minh nhằm giải quyết các vấn đề nóng trong quản lý đô thị. Smart City quy hoạch xây dựng một hạ tầng hiện đại, đồng bộ ở những lĩnh vực định ứng dụng các "thông minh" như: Giao thông, thoát nước, môi trường xử lý rác thải, quan trắc không khí, quan trắc nước, giáo dục, y tế... Được biết, hiện kim ngạch thương mại hai chiều giữa Hà Nội và Đức đạt khoảng 900 triệu USD/năm.

Chính quyền Hà Nội đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Đức hoạt động hiệu quả. Đó là phát triển đồng bộ hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận và thảo luận các ý tưởng đầu tư của các doanh nghiệp cũng như sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Đức khi đến với Hà Nội.

Hà Trần