UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quy định về Hướng dẫn xác định quy mô tầng hầm phục vụ đỗ xe đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Hà Nội. Theo Hướng dẫn này của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, trong phạm vi khu vực phát triển đô thị theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt,

Theo đó, gồm 2 khu vực: Khu vực nội đô lịch sử, giới hạn từ vành đai 2 trở vào (các khu vực đã có quy hoạch, quy chế quản lý riêng gồm khu Trung tâm Chính trị Ba Đình; khu vực phố cổ Hà Nội thực hiện theo quy hoạch, quy chế quản lý riêng được cấp thẩm thẩm quyền phê duyệt). Khu vực nội đô mở rộng, phát triển mới, giới hạn từ vành đai 2 đến vành đai 4 và các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái.

Hướng dẫn nêu rõ với những công trình hỗn hợp trong nội đô lịch sử, cứ 100 m2 sàn sử dụng thì sẽ phải có 34 m2 đỗ xe; ở khu vực nội đô mở rộng là 27 m2. Tương tự, với công trình đất ở trong nội đô lịch sử, mỗi m2 sàn sử dụng phải có 31 m2 đỗ xe, nội đô mở rộng là 24 m2 và đô thị vệ tinh là 20 m2.

Văn bản cũng quy định diện tích đỗ xe với các công trình công cộng dao động từ 25-37 m2 và cơ quan, trường đào tạo là từ 13-24 m2.

Hà Nội: Dự án đầu tư mới buộc phải có tầng hầm - Hình 1

Quy định về diện tích đỗ xe đối với công trình xây dựng mới

Trước đó, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cũng ban hành văn bản về 3 nhóm công trình áp dụng quy định về hầm để xe.

Nhóm nghiên cứu bổ sung diện tích tầng hầm có nhà ở, không phân biệt chung cư cao cấp, thương mại, xã hội hay tái định cư... Đối với công trình nhà chung cư, nhà ở thương mại, cứ 100 m2 diện tích sử dụng của căn hộ, chủ đầu tư phải bố trí tối thiểu 20 m2 làm chỗ để xe (kể cả đường nội bộ trong nhà xe).

Nhóm các dự án khuyến khích bổ sung tầng hầm nhưng phải đảm bảo đủ chỗ đổ xe cho nhu cầu của bản thân công trình gồm công trình công cộng, hỗn hợp, cơ quan như văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại…

Ngoài ra, còn có các công trình hỗn hợp, dịch vụ đô thị (dạy nghề, văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, du lịch, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông...) cấp thành phố và khu vực.

Các công trình không được phép bố trí gara ô tô tại tầng hầm theo quy định của Bộ Xây dựng thuộc nhóm thứ 3. Số này gồm nhà trẻ, mẫu giáo, nhà chuyên dùng cho người cao tuổi và người khuyết tật, bệnh viện, khu nhà ngủ của các trường nội trú, cơ sở cho trẻ em, trường phổ thông, đào tạo ngoài trường phổ thông, trung học chuyên nghiệp, kỹ thuật dạy nghề.

Theo số liệu thống kê của UBND TP. Hà Nội, thành phố hiện có trên 5,5 triệu phương tiện giao thông, trong đó có khoảng 5 triệu xe máy và khoảng 540.000 ôtô. Hiện tại, số lượng và diện tích các bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố rất thiếu. Khu vực trung tâm có khoảng 590 bãi đỗ xe, điểm đỗ xe tập trung, đáp ứng được khoảng 8-10% nhu cầu. 

Ngọc Linh