Bí thư Thành ủy Hà Nội, Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị
Trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quý III, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Nguyễn Doãn Toản cho biết:
Mặc dù do tác động mạnh của dịch Covid-19 nhưng được chỉ đạo sâu sát của Thường trực Thành ủy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, các khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh được dần tháo gỡ, kinh tế từng bước được phục hồi. Thu ngân sách cơ bản được bảo đảm; quản lý đô thị được đẩy mạnh; xây dựng nông thôn mới tiếp tục triển khai tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm.
Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III ước tăng 3,05%, gấp 1,16 lần mức tăng GDP của cả nước (2,62%); tuy thấp hơn quý I (tăng 4,43%) nhưng cao hơn quý II (tăng 2,41%), thể hiện xu hướng tăng trở lại. Lũy kế 9 tháng năm 2020, GRDP Hà Nội tăng 3,27%, gấp 1,54 lần mức tăng của cả nước (2,12%).
Kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý III có 5 điểm nổi bật. Đó là: Sản xuất nông nghiệp tăng khá cao và dự báo quý IV tiếp tục tăng ổn định; sản xuất công nghiệp khôi phục hoạt động bình thường trở lại và dần lấy lại đà tăng trưởng; ngành xây dựng tiếp tục tăng cao nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công công trình; hoạt động bán buôn, bán lẻ tiếp tục tăng cao; hệ thống tín dụng, ngân hàng ổn định, dư nợ tín dụng ngân hàng duy trì tăng trưởng khá.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước thực hiện quý III là 50.027 tỷ đồng (đạt 17,9% dự toán); lũy kế 9 tháng qua, thành phố đã thu được 176.937 tỷ đồng, đạt 63,5% dự toán (bằng 92,8% so với cùng kỳ năm 2019). Thu ngân sách 9 tháng qua đạt thấp so với tiến độ và giảm so cùng kỳ chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và trong kỳ có 13.829 tỷ đồng số thuế và tiền thuê đất đến hạn nộp được gia hạn theo Nghị quyết số 41/2020/NQ-CP. Nếu tính cả số thu được gia hạn này, tổng thu ngân sách ước thực hiện 9 tháng là 190.766 tỷ đồng (đạt 68,4% dự toán, bằng 100,1% so với cùng kỳ năm 2019).
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội thành phố tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm. 100% người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được nhận hỗ trợ. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và khai giảng năm học mới 2020-2021 diễn ra an toàn.
Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, đến nay, thành phố đã có 44 ngày không ghi nhận ca nhiễm ngoài cộng đồng. Hà Nội đã thiết lập trạng thái bình thường mới và tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và duy trì phát triển trong các tháng cuối năm.
Trong quý IV năm 2020, thành phố phấn đấu đạt tăng trưởng từ 5% trở lên. Mức tăng này sẽ bảo đảm cao gấp 1,3 lần tăng trưởng GDP cả nước năm 2020.
Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Nguyễn Doãn Toản báo cáo tại hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Quý IV/2020, thành phố phải xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra, trong đó nêu rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời hạn hoàn thành.
Các văn bản này phải được gửi cho tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã; trên cơ sở đó, Ban Thường vụ cấp ủy trực thuộc Thành ủy phải cụ thể hóa thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ với quyết tâm tạo chuyển biến căn bản về tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách và giải quyết các vấn đề bức xúc dân sinh.
Tất cả phải nỗ lực để thành phố bước vào Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố với tâm thế làm việc hết mình, không vì đại hội mà xao nhãng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; giữ vững và để sau đại hội thành phố tiếp đà tăng trưởng vượt lên.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu, các cấp, các ngành thành phố phải giảm bớt thanh tra, kiểm tra gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát công vụ; siết chặt kỷ cương, tăng cường kỷ luật; phát huy cao độ trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu trong thực thi công vụ, không để tồn tại hiện tượng “tròn vo không làm gì cả” hoặc chậm trễ, trì trệ trong thực thi công vụ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phân tích, trong quý III/2020, nông nghiệp đã tăng trưởng bứt phá với mức 6,99%. Tuy nhiên, lĩnh vực dịch vụ, du lịch tăng trưởng quá thấp (dịch vụ tăng 1,73%), trong khi công nghiệp, xây dựng tăng trưởng chưa cao. Tỷ lệ tăng trưởng GRDP của thành phố so với mức tăng GDP cả nước đang thấp dần, đầu năm, GRDP của thành phố có lúc tăng gấp hơn 1,6 lần GDP cả nước, quý III/2020 chỉ gấp 1,16 lần, 9 tháng của năm 2020 gấp 1,54%.
Yêu cầu, Ban Cán sự đảng UBND thành phố phải phân tích kỹ hơn vì sao nhập khẩu giảm mạnh; Hà Nội không thể bằng lòng với mức tăng trưởng GRDP năm 2020 là 3,5% như dự báo của Tổng cục Thống kê. Trong quý IV/2020, thành phố phải phấn đấu và quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao nhất để cả năm 2020, GRDP thành phố đạt mức tăng trưởng 4-5%.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo cụ thể nhiều vấn đề hạn chế cần khắc phục, những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung quan tâm thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, đẩy nhanh việc kiện toàn nhân sự các cấp địa phương; vì tiến độ kiện toàn nhân sự như hiện nay là còn chậm. Ban Tổ chức Thành ủy phải rà soát, kiểm tra, tập trung đôn đốc việc này.
Các cấp, các ngành tiếp tục triển khai kết quả Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”; đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã; tập trung triển khai thực hiện các dự án ở các cấp, nhất là các dự án trọng điểm, có tác động lớn, các dự án giao thông trọng điểm, dự án đối tác công tư, dự án tư nhân. Các cơ quan chức năng thành phố phải rà soát các dự án chậm triển khai, tiêu biểu như dự án “Thành phố thông minh”...”. Thường trực HĐND thành phố phải vào cuộc, xem xét chuyển cho nhà đầu tư khác thực hiện; không để tình trạng nhận đất rồi mà để dự án chậm tiến độ quá thời hạn quy định.
Các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt các quy tắc ứng xử; tăng cường công tác quy hoạch; xây dựng kế hoạch đầu tư công. Đặc biệt, phải thường xuyên chăm lo an sinh xã hội, nhất là đối tượng người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ gia đình chính sách…, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Nguyễn Kiên