Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết là khoảng 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với năm ngoái. Thành phố cũng mở gần 200 điểm bán hàng bình ổn.
Các quận, huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Quốc Oai, Hà Đông, thị xã Sơn Tây; tổ chức các điểm giới thiệu, bán các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn.
Người dân khi đến các điểm mua hàng hóa vẫn phải tuân thủ đeo khẩu trang, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Những ngày gáp Tết Đinh Sửu tại Hà Nội đang tràn ngập không khí mua sắm các mặt hàng thiết yếu đón Xuân. Từ các chợ truyền thống cho đến các siêu thị, mật độ người dân thăm quan mua sắm đã có phần náo nhiệt hơn những ngày trước đây.
Khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như chợ Châu Long, chợ Ngọc Hà, chợ Hôm, chợ Mơ…ngày 8/2 cho thấy, hầu hết các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết đều có giá ổn định, thậm chí còn giảm nhẹ so với tuần trước. Giá thịt gà, thịt lợn giảm thêm 5.000 đồng/kg so với tuần trước; Giá các loại hải sản như cá, tôm, ngao, mực không có biến động. Giá các loại hàng khô hay rau xanh đang vào chính vụ lại gặp thời tiết tốt nên nguồn cung phong phú, giá giảm.
Đáng chú ý, mặc dù hàng hóa Tết năm nay dồi dào và phong phú, song 1 phần do tinh thần chống dịch Covid-19 nên sức mua rất thấp. Nhu cầu về hàng hóa Tết dịp này đã có nhiều thay đổi, khi các hệ thống siêu thị luôn mở cửa cả trong những ngày nghỉ Tết nên người dân không còn tâm lý mua sắm với số lượng nhiều, đi chợ mua sắm theo nhu cầu hàng ngày vì không còn lo khan hiếm hàng hóa.
Chị Hoàng Thị Hương, tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt lợn tại chợ Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, thường mọi năm những ngày này sức mua hàng rất mạnh, mỗi ngày chị bán ra khoảng hơn 100kg thịt lợn. Nhưng năm nay, sức mua của người dân giảm nhiều, từ ngày 20 Âm lịch trở lại đây, mỗi ngày chỉ bán được hơn 60kg.
“Dịch Covid-19 khiến người dân có tâm lý tiết kiệm trong chi tiêu, mua sắm. Thực phẩm thì ai cũng phải ăn nhưng giờ người ta mua ăn theo ngày, theo bữa để đảm bảo chất lượng, tươi ngon. Nhu cầu thay đổi nên sạp hàng của mình sẽ phục vụ đến chiều 30 Tết”, chị Hương cho hay.
Tại các hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội như Co.opmart, Hapro, Vinmart, Big C hiện nay đang có đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và hàng hóa Tết. Dịp này, các siêu thị cùng tung nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm kích thích nhu cầu mua sắm.
Anh Trịnh Văn Linh, phụ trách bán hàng của siêu thị Vinmart Cầu Giấy chia sẻ: Từ 2 tuần nay, lượng hàng hóa về siêu thị đã tăng 50% so với trước đó. Đặc biệt, các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ tết như thực phẩm, thủy sản, hoa quả, bánh mứt kẹo đã được các nhà cung ứng đưa về theo đúng hợp đồng để kịp thời phục vụ người dân.
“Nhìn chung sức mua sắm Tết của người dân có giảm hơn so với mọi năm. Phần lớn người mua sắm với số lượng ít, đơn hàng trung bình dưới 1 triệu đồng nên không tạo ra tình trạng khan hàng cục bộ. Siêu thị cũng cam kết không để thiếu hụt hàng hóa hoặc tăng giá trong bất cứ hoàn cảnh nào để phục vụ người dân có cái Tết vui, an toàn”, anh Linh nói.
Trúc Mai