Hà Nội: Họp giải trình về quản lý các DA có sử dụng đất chậm triển khai - Hình 1

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội, Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại buổi họp, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội, Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Đất đai là một trong những nguồn lực rất quan trọng để phát triển Thủ đô, nhất là trong tình hình mới sau khi có Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đầu tư năm 2014. Việc quản lý và sử dụng đất đai đúng mục đích, đúng kế hoạch, phát huy hiệu quả cao nhất tài sản công đặc biệt này thuộc chính quyền các cấp với nhân dân và cử tri Hà Nội.

Sau đợt giám sát chuyên đề của HĐND vào tháng 5, 6 vừa qua về các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố đối với 8 sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã đã cho thấy, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn nhiều dự án chậm đưa vào sử dụng đất, chậm tiến độ thực hiện, sử dụng sai mục đích, để hoang hoá, ảnh hưởng đến sản xuất, cuộc sống của nhân dân, cử tri kiến nghị nhiều. Những hạn chế tồn tại này cần được UBND thành phố và các sở, ban, ngành, quận, huyện báo cáo giải trình làm rõ trước nhân dân và cử tri; tìm nguyên nhân và đề ra lộ trình khắc phục tồn tại.

Bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng để các nhà đầu tư, chủ đầu tư đang được giao triển khai các dự án sử dụng đất trên địa bàn thành phố thấy rõ trách nhiệm của mình, chấp hành đúng quy định pháp luật trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố.

Tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm, Trần Đức Hoạt cho biết, trong 48 dự án chậm trên địa bàn, có 17 dự án đang GPMB, 31 dự án đã được giao đất. Kiến nghị Thành phố sớm ban hành quy định về các dự án đầu tư ngoài ngân sách, trong đó cần tổ chức đánh giá công tác giám sát đầu tư trên địa bàn thành phố chặt chẽ và cụ thể hơn.

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, Nguyễn Xuân Lưu cho biết, trên đia bàn quận có 14 dự án chậm. Trong quá trình thực hiện còn có tư duy coi dự án có sử dụng đất ngoài ngân sách là trách nhiệm của Thành phố, sở ngành...

Phát biểu làm rõ những vấn đề đại biểu nêu tại phiên họp giải trình, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Nguyễn Đức Chung khẳng định, việc các dự án sử dụng đất chậm triển khai được nhiều cử tri, nhân dân quan tâm và gây bức xúc trong dư luận, trong đó, nguyên nhân đầu tiên khiến các dự án này chậm được triển khai là do năng lực của nhà đầu tư còn yếu; quá trình triển khai các dự án gặp khó khăn trong huy động vốn hoặc do cùng lúc đầu tư vào nhiều dự án khiến nhà đầu tư hụt hơi.

Chủ tịch UBND thành phố cũng chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan khác dẫn đến thực trạng chậm triển khai nhiều công trình, dự án, như: Khâu GPMB còn gặp nhiều khó khăn; do việc điều chỉnh quy hoạch sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thành phố (năm 2008); do chính sách đất đai có những thay đổi; do sự yếu kém trong quản lý, sự phối hợp không chặt chẽ giữa các sở, ngành, quận, huyện. 

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, tài nguyên đất, đóng góp đến 80% vốn phát triển của Hà Nội. Năm 2017, thành phố thu hơn 33.708 tỷ đồng tiền sử dụng đất, hơn 4.847 tỷ đồng tiền thuê đất. Các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất đã góp phần phát triển hạ tầng đô thị, giao thông, nhà ở, tạo việc làm cho nhiều người, đóng góp ngân sách hằng năm cao. Những năm gần đây, việc kiểm soát sử dụng đất trên lĩnh vực này đã được thành phố triển khai chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Hà Nội: Họp giải trình về quản lý các DA có sử dụng đất chậm triển khai - Hình 2

Quang cảnh phiên họp

Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, thực trạng chậm triển khai tại một số dự án cần phải được kiên quyết xử lý. Để làm được việc đó,  thành phố đưa ra nhóm giải pháp cơ bản cần tiếp tục đẩy mạnh. Trước tiên, UBND thành phố sẽ xây dựng kế hoạch, phân công, đôn đốc các sở, ngành, Thanh tra thành phố để kiểm tra, thanh tra, thu hồi những dự án không đủ điều kiện. Thành phố sẽ tiếp tục đối thoại, làm rõ những vướng mắc, từ đó cố gắng phối hợp cùng các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chủ đầu tư, đồng thời yêu cầu nhà đầu tư cam kết thực hiện dự án đúng tiến độ.

Hà Nội đang khẩn trương hoàn thành phần mềm quản lý các dự án để quản lý chặt chẽ hơn, nắm bắt được diễn biến phát triển của dự án cũng như hoạt động của nhà đầu tư sau khi được cấp phép. Bởi thực tế, hiện nay khâu hậu kiểm sau khi cấp phép đầu tư còn hạn chế. UBND thành phố cũng sẽ chỉ đạo các sở: Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch và Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện quy chế liên quan đến thẩm định, quản lý hồ sơ của các nhà đầu tư, tạo điều kiện để nhà đầu tư sớm có thông tin triển khai dự án, không để kéo dài.

Nguyễn Kiên