Đánh giá hiệu quả Quỹ hỗ trợ nông dân, Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Hà Nội, Phạm Hải Hoa khẳng định: Nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, đã góp phần tích cực và tạo điều kiện để các cấp hội thực hiện tốt việc vận động nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nông dân.
Qua đó, quỹ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn, tạo việc làm, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung.
Các mô hình vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, nâng cao vai trò của tổ chức hội trong hệ thống chính trị. Tiêu biểu như: Trồng rau sạch tại xã Bắc Hồng (Đông Anh); tổ Hội nghề nghiệp “Đầu tư phát triển sản phẩm đồ gỗ” xã Vân Hà (Đông Anh); dự án “Phát triển đồ mộc dân dụng” tại xã Liên Hồng (Đan Phượng); trồng dưa lưới công nghệ cao tại xã Viên Nội (Ứng Hòa); dự án chăn nuôi bò sinh sản xã Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây)…
Năm 2023, Hội Nông dân Thành phố Hà Nội và Hội Nông dân tỉnh Bình Dương đã thống nhất những nội dung trọng tâm trong chương trình phối hợp. Trong đó, tập trung vào các hoạt động: Đẩy mạnh tổ chức liên kết, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân; tổ chức các hoạt động hợp tác xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, hàng hóa, dịch vụ, kinh tế tập thể và trang trại.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân Thành phố Hà Nội và Hội Nông dân tỉnh Bình Dương sẽ tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi, xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đề án tái cơ cấu nông nghiệp..., từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương, Đỗ Ngọc Huy cho biết: Bình Dương sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn nên nhu cầu kết nối tiêu thụ nông sản rất lớn, đặc biệt là các sản phẩm chăn nuôi, cây ăn quả.
Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh đã thành lập Câu lạc bộ “Nông dân tỷ phú” - có sự tham gia của những nông dân sản xuất giỏi, doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động rất hiệu quả.
“Nông dân, doanh nghiệp Bình Dương mong muốn được kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, ocop tiêu biểu của địa phương như Dưa lưới Phú Giáo, bưởi da xanh Dầu Tiếng, cam sành Bắc Tân Yên, Yến thô Dầu Tiếng, nấm linh chi Dầu Tiếng…", ông Đỗ Ngọc Huy nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, doanh nghiệp nông nghiêp tiêu biểu của Bình Dương đã giới thiệu những sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao và mong muốn hợp tác tiêu thụ với các doanh nghiệp Hà Nội.
Đại diện một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cũng chia sẻ các nội dung liên quan đến điều kiện, tiêu chuẩn của sản phẩm nông sản đáp ứng yêu cầu của chuỗi bán lẻ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại Thủ đô.
Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Hội Nông dân Thành phố Hà Nội và Hội Nông dân tỉnh Bình Dương đã đi thăm quan thực tế mô hình chế biến nông sản tại Công ty CP Thực phẩm Minh Dương (huyện Hoài Đức).
Ánh Ngọc