Về tình hình kinh tế - xã hội thành phố trong 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, kinh tế tiếp tục phát triển, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm tăng 8,1%, dự kiến cả năm tăng 8,5%, đạt kế hoạch đề ra.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chủ trì Hội nghị
Trong 9 tháng đầu năm, Hà Nội đón 17,97 triệu lượt khách du lịch, tăng 9% so cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt 52,96 nghìn tỷ đồng (tăng 14%). Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển mặc dù thời tiết diễn biến bất lợi.
Thu NSNN trên địa bàn đạt 146,4 nghìn tỷ đồng, bằng 71,5% dự toán (tăng 16,2%). Ước thực hiện cả năm 2017, thu NSNN trên địa bàn đạt 207.628 tỷ đồng, bằng 101,4% dự toán HĐND Thành phố giao, tăng 15,8% so với thực hiện năm 2016.
Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cũng nhấn mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 của Hà Nội đạt 60,74 điểm (tăng 1,74 điểm), xếp vị trí thứ 14/63, tăng 10 bậc so với năm 2015, cao nhất từ trước tới nay.
Công tác ổn định giá cả thị trường được thực hiện tốt. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng khoảng 3,5%-3,55% so cùng kỳ năm 2016. Ước bình quân cả năm 2017, CPI tăng khoảng 3,05-3,11% so với bình quân năm 2016.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư, trật tự văn minh đô thị của Hà Nội 9 tháng đầu năm đã có chuyển biến rõ nét. Hệ thống cây xanh, thảm cỏ, các công viên, vườn hoa, chiếu sáng... thực hiện theo yêu cầu kỹ, mỹ thuật tiên tiến; thí điểm thay thế đèn chiếu sáng hiện có bằng đèn Led; trồng mới 310.451 cây xanh (lũy kế đã trồng được 447.451 cây, đạt 44,7% mục tiêu Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh). Triển khai thi công hạ ngầm cáp tại 36 tuyến phố, 6 tuyến đã cơ bản hoàn thành.
Trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đi vào chất lượng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước được triển khai đồng bộ. Tính đến nay, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được triển khai đến 584/584 xã, phường, thị trấn và 10 sở, ngành. Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT.
Đầu tư phát triển giáo dục tiếp tục được quan tâm. Dự kiến năm 2017 có thêm 100 trường đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng công tác khám chữa bệnh được nâng cao, tập trung đổi mới phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân. Vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường; an sinh xã hội được bảo đảm...
Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực; kỷ luật, kỷ cương được tăng cường. Chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội xếp thứ 3 cả nước, tăng 6 bậc. Công tác phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được thực hiện đúng thẩm quyền.
Bên cạnh kết quả đạt được, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư cũng nêu một số tồn tại, hạn chế như công nghiệp vẫn tăng trưởng nhưng có xu hướng tăng chậm dần, tính cạnh tranh còn chưa cao; vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công, đặc biệt là lấn chiếm đất nông nghiệp, vi phạm khai thác cát, sử dụng bến bãi trái phép... còn xảy ra. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn phức tạp, nhất là vào giờ cao điểm; hiện tượng tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, vi phạm về biển hiệu còn xảy ra.
Công tác cải cách hành chính bước đầu có chuyển biến nhưng một bộ phận cán bộ làm việc còn chưa hết trách nhiệm; lãnh đạo, cán bộ ở cấp cơ sở có lúc, có nơi còn gây phiền hà cho người dân. Đã xảy ra một số vụ việc đáng tiếc trong ứng xử của cán bộ, công chức với người dân, gây bức xúc trong dư luận.
Trên địa bàn, vẫn xảy ra dịch bệnh như sốt xuất huyết. Công tác khám chữa bệnh, chất lượng thuốc, vệ sinh an toàn thực phẩm tuy có chuyển biến, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân...
PV