THCL - Đại đa số học sinh cho biết đề thi vừa sức, gần gũi với cuộc sống cũng như không phải học thuộc lòng quá nhiều.
Sáng nay (22/3), 62.000 học sinh lớp 12 trên địa bàn TP. Hà Nội đã bước vào bài thi tổ hợp xã hội, môn Giáo dục công dân. Theo quy định, các thí sinh sẽ phải hoàn thành 3 môn thi trong tổ hợp xã hội, bao gồm: Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Bài thi dưới hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 150 phút.
62.000 học sinh lớp 12 trên địa bàn TP. Hà Nội đã bước vào bài thi tổ hợp xã hội
Là năm đầu tiên thực hiện thi môn Giáo dục công dân cho kỳ thi THPT quốc gia, cũng như điểm số của môn sẽ được xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, chính vì thế, ngay sau khi quy chế cho kỳ thi THPT quốc gia 2017 được ban hành, đã không ít ý kiến trái chiều về môn thi mới này.
Tuy nhiên, kết thúc kỳ thi thử, rất nhiều học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố tỏ ra hào hứng bởi đề thi gần gũi, những câu hỏi sát sườn với thực tế chỉ cần suy luận là có thể đưa ra câu trả lời, cũng như giảm tải việc học thuộc lòng cho các thí sinh.
Đề thi thử môn Giáo dục công dân
Một số học sinh cho biết, đề thi môn Giáo dục công dân năm nay, tập trung chủ yếu phần kiến thức pháp luật như quyền bảo hộ về danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của công dân… Ngoài ra, đề thi còn có nhiều câu hỏi tình huống gần gũi với đời sống như việc cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, bảo kê, sử dụng facebook như một công cụ để “bóc phốt” lẫn nhau của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Đa số đều hài lòng và cho biết hoàn thành từ 80 – 85% đề thi, cũng như trong các câu hỏi tình huống không phải học thuộc quá nhiều. Với việc tổ chức kỳ thi thử THPT quốc gia cho các em học sinh khối 12, thì đây không chỉ là cơ hội để các em rèn luyện, học hỏi, mà còn là cơ hội để các thí sinh làm quen với dạng đề thi mới của kỳ thi năm nay.
Quang Nam