Tổ chức lễ rước tại lễ hội
Sáng 20/2/2018, tại lễ hội đã tổ chức lễ rước văn tế từ nhà vị tiên chỉ ra đền để tế thần. Theo thông lệ, văn tế soạn thảo được đặt lên giá, khi 12 ông trưởng xóm đến đông đủ cả thì bắt đầu sửa lễ. Mở đầu là năm lá cờ ngũ hành, tiếp đó đến phường bát âm giá văn tế đặt trong kiệu long đình có lọng che. Nối tiếp là quan viên trong làng và các vị kỳ mục đi theo.
Ngoài sân đền, cờ hội, cờ đuôi nheo cắm thẳng hàng từ đường xóm vào tận sân đền Giữa sân là cột cờ lớn, phía trên phấp phới lá cờ đại. Sát cửa đền, hai bên là đôi ngựa hồng, ngựa bạch đầy đủ yên cương sặc sỡ. Tiếp ra phía ngoài là đồ lễ bộ và bát bưu. Khoảng giữa sân là kiệu của 12 xóm.
Trước cửa đền, hương án lớn bày bộ ngũ sự bằng đồng và các lễ vật cùng hộp kính đựng đôi hia màu vàng. Bên cạnh còn có một hương án nhỏ, phía trên bày một chiếc đỉnh và đôi hạc đồng cùng chiếc nỏ, bó tên và một thanh kiếm. Nỏ này được sơn son thếp vàng là biểu trưng của nỏ thần xưa.
Khi một hồi tù và rúc lên báo hiệu đám rước văn đã tới, long đình được kính cẩn khiêng đến đặt phía trước hương án. Lúc này, phường bát âm nổi nhạc, tiếng tù và hân hoan đón chào. Cuộc tế lễ bắt đâu, kéo dài tới quá giờ Ngọ. Trong lúc quan viên, kỳ mục lần lượt làm lễ tế trước bàn thờ, dân chúng quỳ làm lễ theo thì ở nội tự, một số kỳ mục được cử ra tiến hành đại diện cho xóm làng cầu nguyện nhà vua phù hộ cuộc sống yên bình, thịnh vượng.
Buổi chiều, đám rước thần có đông đảo dân làng tham gia. Thứ tự các cuộc rước bao gồm cờ quạt, long đình, tự khí, bát bửu, phường bát âm, quan viên lễ phục chỉnh tề bưng theo khí giới của nhà vua cùng tuần hành trong vài giờ từ sân đền Cổ Loa ra đến đầu làng thì giải tán.
Còn phần hội thì kéo dài tới rằm tháng giêng bằng nhiều trò vui. Tối ở đình làng có đốt pháo hoa, hát ca trù, hát tuồng. Ban ngày, các cụ ông chơi bài, đánh cờ. Các cụ bà đi lễ đình lễ chùa. Thanh thiếu niên nam nữ có trò chơi: đánh đu, đấu vật, kéo co, leo dây, bắn cung nỏ, cờ người, thổi cơm thi, chọi gà, đánh đáo mẹt...
Trong những ngày hội Cổ Loa, nhân dân quanh vùng cùng khách thập phương đến xem rất đông, coi đây là dịp vui xuân có ý nghĩa.
Lễ hội cổ truyền Cổ Loa - Trang nghiêm, vui tươi, an toàn
Theo ông Nguyễn Khả Nghị, Phó chủ tịch UBND xã Cổ Loa, với tiêu chí “Vui tươi, an toàn, tiết kiệm”, để tập trung cho các hoạt động của lễ hội, lãnh đạo huyện Đông Anh, Ban tổ chức lễ hội và địa phương đã tiến hành tổ chức, phân công điều hành các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, tổ chức lực lượng tham gia phối hợp tuần tra, kiểm soát, giữ gìn an ninh trật tự.
Tuyên truyền vận động nhân dân nêu cao cảnh giác, có ý thức phòng ngừa tội phạm. Các gia đình tham gia trông giữ xe các loại phải đăng ký cam kết với Ban tổ chức, bảo đảm trật tự giao thông, không thu tiền quá quy định, bảo đảm tài sản của khách gửi.
Nghiêm cấm lợi dụng lễ hội để tổ chức chơi cờ bạc dưới mọi hình thức. Không tham gia hoạt động bói toán, mê tín dị đoan, không lợi dụng rượu, bia, gây rối chật tự nơi công cộng. Không mua, bán đốt pháo nổ các loại tại các thôn xóm, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trên địa bàn dân cư.
Ban tổ chức đã phối hợp với Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội, bố trí xe chữa cháy tại lễ hội để kịp thời xử lý nếu có sự cố; các chủ cửa hàng kinh doanh phải ký cam kết về công tác phòng cháy chữa cháy.
Công tác vệ sinh môi trường cũng được quan tâm, Ban tổ chức đã bố trí các thùng rác hai bên đường vào khu lễ hội và trong khu vực lễ hội và sau 2 giờ lại có bộ phận thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường sạch sẽ...
Nguyễn Kiên - Đình Toán