Kiểm tra ATTP một cơ sở SX bánh chưng tại xã Duyên Hà - Thanh Trì - Hà Nội
Để tạo điều kiện cho người dân vùng làng nghề thành phố đã chú trọng ban hành và phổ biến các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP); khuyến khích áp dụng các phương pháp quản lý ATTP thực hành sản xuất tốt (GMP), thực hành vệ sinh tốt (GHP); xây dựng và phát triển các mô hình điểm làng nghề sản xuất thực phẩm truyền thống tiên tiến; thường xuyên kiểm tra, xử phạt nghiêm các vi phạm về ATTP, đồng thời tăng cường quảng bá, giới thiệu các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm uy tín.
Các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm cũng tự giác chấp hành các quy định về vệ sinh cơ sở, dụng cụ, nguyên liệu, nguồn nước chế biến; tham gia các lớp tập huấn kiến thức ATTP; kiểm tra sức khỏe định kỳ và kiểm tra kiến thức thực hành vệ sinh cá nhân đối với người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Tuy nhiên, việc bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm truyền thống đang tồn tại nhiều bất cập. Qua thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân chủ yếu được cho là đến từ phương thức sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát còn rất phổ biến hiện nay.
Chẳng hạn, trong Tháng hành động về ATVSTP năm nay, theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây, thị xã có làng nghề truyền thống làm bánh tẻ Phú Thịnh hiện có khoảng 45 hộ sản xuất bánh tẻ. Tuy nhiên, đến nay số cơ sở được cấp giấy chứng nhận ATTP còn rất hạn chế, việc sản xuất tại làng nghề vẫn chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ.
Hoặc như làng nghề Cổ Hoàng, xã Hoàng Long, huyện Thường Tín là một trong những điểm cung cấp bánh kẹo thủ công lớn của thành phố. Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Long, ông Vũ Tuấn Anh cho biết, làng nghề hiện có 35 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh nhưng qua khảo sát, điều kiện sản xuất của nhiều hộ dân hết sức sơ sài, chưa bảo đảm một số tiêu chí về ATTP.
Vì vậy, để đảm bảo ATTP, phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong thời gian từ nay cho đến cuối năm 2018, đồng thời, nâng cao hơn nữa công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ATTP tại các làng nghề, theo ông Tạ Văn Trường, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, gắn với hậu kiểm, đặc biệt là tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ.
Đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm dù là nhỏ nhất, bởi chỉ có như vậy mới tạo nên sức răn đe, chế tài đủ nặng, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn. Cùng với đó là đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở thực hiện hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm theo Nghị định số 15 của Chính phủ.
Linh Tuệ