Bao bì sản phẩm do cơ sở này sản xất
Tại thời điểm đoàn công tác kiểm tra, chủ cơ sở này không xuất trình được các giấy tờ, tài liệu chứng minh về tính hợp pháp của lô hàng. Chủ cơ sở cho biết, tại đây chỉ in bao bì nhãn mác là NAM DƯỢC XOANG và Thuốc xoang LÊ HÙYNH, sau đó mua thuốc viên tể và thuốc nước chứa trong các bình xịt từ một địa chỉ tại An Giang để đóng gói bán ra thị trường dưới thương hiệu trên và ghi là "thuốc đông y gia truyền họ Lê" tại địa chỉ ở Thanh Trì, Hà Nội. Việc bán các sản phẩm này đều bằng hình thức bán qua mạng internet. Hoạt động này đã diễn ra từ tháng 4/2017 đến nay.
Theo Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, qua kiểm tra sơ bộ và làm việc với chủ cơ sở cho thấy tất cả các loại thuốc này đều chưa được cấp phép sản xuất. Chưa có cơ quan chuyên môn nào thẩm định về chất lượng, bài thuốc theo đúng quy định.
Việc người dân tự ý sử dụng các loại sản phẩm này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đến tính mạng.
Qua sự việc trên ngày 26/6/2018, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có buổi làm việc với Thanh tra Sở Y tế Hà Nội và đại diện Vụ Y học cổ truyền Bộ Y tế để tìm hiểu sự việc và nhận diện một số phương thức thủ đoạn mới và những thực trạng về việc sản xuất, kinh doanh các loại thuốc được sản xuất từ đông dược núp dưới danh nghĩa là bài thuốc "gia truyền" nhằm lừa dối người bệnh.
Tại buổi làm việc, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá cao việc Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã chủ động phát hiện, xử lý vụ việc trên ngay sau khi Chỉ thị 17/CT-TTg vừa ban hành. Đồng thời đề nghị Thanh tra Sở Y tế Hà Nội khẩn trương xác minh, làm rõ những sai phạm và sớm quyết định thu hồi các sản phẩm nói trên, có kết luận xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó cần tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, thanh tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc và các sản phẩm y dược khác nhằm phát hiện, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng đưa ra thị trường, tránh thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Hà Trần