Hà Nội: Sáu tháng đầu năm, kiểm soát tốt hàng hóa - Hình 1

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa

Theo đó, tình hình thị trường, giá cả hàng hóa 6 tháng đầu năm tương đối ổn định, không có hiện tượng khan hiếm hay tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường.

Công tác kiểm tra giá, ổn định thị trường được các cơ quan chức năng chú trọng thực hiện, đã tổ chức kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố. 

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) và hàng giả trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, cụ thể:

Hàng lậu, hàng cấm được vận chuyển theo các đường dây, ổ nhóm, có cấu kết từ các tỉnh biên giới vào tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội với phương thức, thủ đoạn, tuyến đường và phương tiện vận chuyển đa dạng (Quảng Ninh, Lạng Sơn về Hà Nội); từ các tỉnh phía nam và miền Trung ra Hà Nội; theo đường hàng không về sân bay quốc tế Nội Bài.

Các đối tượng tiến hành hợp thức hoá hàng lậu theo hình thức quay vòng chứng từ hoá đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để đối phó với các cơ quan chức năng. Ngoài ra, do quy định thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa hải quan thông thoáng, các hiện tượng GLTM trong kê khai hải quan vẫn diễn ra.

Cụ thể, kê khai không đúng mã hàng hoá, giá trị và số lượng hàng hóa; không đúng thuế suất áp dụng; gian lận trong kê khai xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa... Hoạt động buôn lậu thường tập trung vào các nhóm hàng vải, quần áo, hàng điện tử, hàng tiêu dùng, bia, rượu ngoại, thuốc lá điếu, mỹ phẩm, thực phẩm, lâm sản, động vật hoang dã...

Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất từ nước ngoài rồi đưa vào thị trường nội địa để tiêu thụ mà còn được một số cơ sở trong nước mua các loại nguyên, phụ liệu giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu sau đó tổ chức sản xuất, đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, pha trộn, dán nhãn và cung cấp ra thị trường.

Các đối tượng vi phạm thường thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự cấu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện kỹ thuật cao để đối phó với các cơ quan chức năng, tập trung chủ yếu vào các loại hàng hóa có thương hiệu nổi tiếng như quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ, kính mắt, hóa mỹ phẩm..., gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của người tiêu dùng và uy tín, thương hiệu của các DN làm ăn chân chính trên địa bàn thành phố.

Tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu như gia súc, gia cầm, hoa quả, các chất phụ gia thực phẩm, chất bảo quản, hỗ trợ chế biến thực phẩm... không rõ nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội tuy giảm nhưng vẫn còn tồn tại.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố vẫn còn tình trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề sản xuất các mặt hàng rượu, sản phẩm chế biến bột và tinh bột; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... sử dụng thực phẩm hết hạn sử dụng, không tem, nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đáng chú ý, một số cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận đã tổ chức sản xuất, kinh doanh trái phép các hóa chất, phân bón, vật tư nông nghiệp không bảo đảm chất lượng; sử dụng chất cấm trong chế biến, bảo quản và chăn nuôi; tiêm thuốc kích thích, chất cấm để tăng trọng lượng sản phẩm nhằm mục đích kiếm lời bất chính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo 389/Hà Nội đã đề ra các chủ trương, giải pháp đồng bộ nhằm triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả; tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhờ vậy đã góp phần giữ vững tình hình kinh tế, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Nguyễn Kiên