Cụ thể, UBND TP. Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống thiết bị cân kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ thuộc địa bàn ở các quận, huyện: Hoàng Mai, Đông Anh và Thị xã Sơn Tây do Sở Xây dựng là chủ đầu tư.
Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 264 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án 2025 - 2026 bằng nguồn ngân sách TP. Hà Nội.
Theo đó, trạm cân tự động sẽ bao gồm: Hệ thống cân động; hệ thống camera; hệ thống phần mềm xử lý dữ liệu cân và phần mềm tự động nhận diện biển số xe qua hình ảnh camera; máy chủ và hệ thống lưu trữ; hệ thống cấp điện (bao gồm hệ thống cấp điện dự phòng); hệ thống truyền dẫn dữ liệu; hệ thống chống sét; hệ thống tiếp đất cho toàn bộ thiết bị; hệ thống báo hiệu đường bộ; phòng kỹ thuật hoặc tủ kỹ thuật chứa thiết bị vận hành hệ thống...

UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng rà soát, lựa chọn vật tư, vật liệu, phương tiện thi công cho công trình đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật của Dự án đầu tư và phù hợp với các quy định hiện hành.
Đồng thời, rà soát việc áp dụng các mã hiệu đơn giá, định mức trong công tác lập dự toán chi tiếp cho từng hạng mục công trình cho phù hợp với nội dung và tính chất của công việc đảm bảo tiết kiệm chi phí; một số giá vật tư, vật liệu phù hợp với giá thị trường.
Tiếp tục nghiên cứu giải pháp tổ chức giao thông, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, đặc biệt là tại các vị trí trạm cân. Thực hiện công tác thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông theo quy định.
Có biện pháp tổ chức thi công phù hợp đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và giảm thiểu ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trong khu vực.
UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng khảo sát, đánh giá chất lượng mặt đường hiện trạng, căn cứ yêu cầu cường độ mặt đường vị trí lắp đặt trạm cân và cường độ mặt đường hiện trạng, lựa chọn các lớp kết cấu áo đường làm mới, mặt đường vuốt nối đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, tiết kiệm và hiệu quả đầu tư.
Thời gian qua, dù lực lượng chức năng của TP. Hà Nội đã vào cuộc mạnh mẽ, nhằm hạn chế tình trạng xe quá tải trên đường. Tuy nhiên, một bộ phận chủ xe, lái xe vì lợi nhuận vẫn lén lút hoạt động. Các đối tượng thường sử dụng những biện pháp tinh vi nhằm đối phó, qua mặt công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Thông tin trước báo chí, Đại úy Nguyễn Duy Khánh, cán bộ Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội) cho biết: "Từ 16h hàng ngày sẽ có 2 - 3 đối tượng xuất hiện trước cổng Cảnh sát giao thông số 6. Khi thấy lực lượng cảnh sát giao thông cắm chốt hay tuần tra kiểm soát, sẽ thông báo cho lái xe để thay đổi tuyến đường cũng như để trốn tránh".
Tương tự, Thiếu tá Hoàng Minh Trường, cán bộ Đội CSGT số 5 (Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội) cho biết: "Khi bị dừng xe kiểm tra ngay lập tức các lái xe sẽ báo cho nhau để trốn tránh hoặc dừng hoạt động, để đỡ bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. Do đó, trong thời gian tới Đội cũng sẽ phối hợp với các đơn vị vận tải để tăng cường công tác tuyên truyền cũng như ký cam kết để lái xe, chủ doanh nghiệp có ý thức tự giác chứ không phải chống đối".
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Sở Xây dựng Hà Nội, Thanh tra Sở cùng liên ngành TP. Hà Nội đã tiến hành khảo sát các vị trí đủ điều kiện theo quy định để đặt trạm cân điện tử tự động thực hiện công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.
Qua khảo sát, liên ngành đã thống nhất 14 vị trí đủ điều kiện trên các tuyến: Quốc lộ 1, Quốc lộ 32, Quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh - Quốc lộ 21A, Quốc lộ 21B, các tuyến đê, đường tỉnh lộ thuộc địa bàn các quận, huyện gồm: Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thạch Thất, Phú Xuyên, Ba Vì và thị xã Sơn Tây.
Tuấn Ngọc (t/h)