Hiện nay, Thành phố Hà Nội có đầu gia súc, gia cầm lớn đứng đầu cả nước với số lượng đàn trâu bò 170 ngàn con, đàn lợn 1,7 triệu con, đàn gia cầm 31,5 triệu con. Năm 2018, trên địa bàn thành phố có 988 cơ sở giết mổ GSGC. Trong đó, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công 937 cơ sở; giết mổ bán công nghiệp 44 cơ sở, giết mổ công nghiệp 7 cơ cở.
Siết chặt kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Để công tác quản lý giết mổ GSGC trên địa bàn thành phố theo đúng quy định của pháp luật, Sở NN&PTNT đã tham mưu với UBND thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quản lý hoạt động giết mổ GSGC. Đã tổ chức 12 lớp tập huấn về Luật Thú y và các văn bản liên quan trong lĩnh vực giết mổ GSGC, điều kiện vệ sinh thú y, VSATTP cho các đối tượng là các hộ giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật, cán bộ thú y cơ sở nhằm nâng cao hiểu biết, trách nhiệm của các hộ về điều kiện giết mổ (trang thiết bị, dụng cụ, địa điểm giết mổ…); xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường; người tham gia giết mổ phải có giấy khám sức khỏe theo quy định…
Thành phố cũng nghiêm cấm các đơn vị, doanh nghiệp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật chết, mắc bệnh để sử dụng làm thực phẩm; vứt xác động vật ra ngoài môi trường. Các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh kiểm tra đột xuất các cơ sở vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt GSGC, xử lý vi phạm theo quy định của Luật thú y, Luật an toàn thực phẩm, các Nghị định của Chính phủ.
Nhờ vậy, đến hết năm 2018, có 126 cơ sở giết mổ GSGC được kiểm soát trên địa bàn thành phố. Lượng thịt gia súc gia cầm tiêu thụ trên địa bàn thành phố được kiểm soát khoảng 515 tấn/ngày, đáp ứng 59% nhu cầu tiêu thụ. Số lượng gia súc gia cầm duy trì kiểm tra kiểm soát giết mổ tại các lò mổ năm 2018 là 67.125 con trâu, bò; 1,2 triệu con lợn và 10 triệu con gia cầm.
Đã có một số cơ sở giết mổ GSGC lớn được kiểm soát tốt, hoạt động có hiệu quả như cơ sở giết mổ gia cầm của Công ty CP Việt Nam (tại Phú Nghĩa - huyện Chương Mỹ), giết mổ bình quân trên 35.000 con/ngày đạt khoảng 50% công suất; Cơ sở giết mổ gia cầm Lan Vinh (Yên Thường – Gia Lâm) giết mổ trên 4.000 con/ngày, đạt 80% công suất; Cơ sở giết mổ trâu bò Đông Thành (Đông Anh) giết mổ bình quân trên 50 con/ngày; Cơ sở giết mổ trâu bò Nguyễn Văn Tuấn (xã Kim Lan - Gia Lâm) giết mổ 40 con/ngày, đạt 70% công suất; Cơ sở giết mổ lợn Vinh Anh (Thường Tín) giết mổ 200 con/ngày đạt 30% công suất; Cơ sở ông Vũ Văn Khương (Chương Mỹ) giết mổ 150 con/ngày; Cơ sở giết mổ Vạn Phúc (Thanh Trì) giết mổ 2.000 con/ngày, những ngày giáp Tết Nguyên Đán lên tới gần 3.000 con/ngày; Cơ sở giết mổ lợn Minh Hiền (Thanh Oai) bình quân giết mổ 700 con/ngày.
Bên cạnh sự vào cuộc từ các ngành chức năng, ở nhiều địa phương, UBND các huyện, thị xã cũng tích cực tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân không được giết mổ động vật bị chết, bị bệnh để chế biến làm thực phẩm hoặc liên kết với người buôn bán thịt GSGC để gian lận thương mại, biến động vật chết mắc bệnh thành thực phẩm, đặc sản…
Tuy nhiên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn tồn tại hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, thủ công rất đa dạng, không có địa điểm cố định mà rải rác ở hầu hết các khu dân cư của các huyện, thị xã. Một số cơ sở giết mổ, nhất là gia cầm lại hoạt động theo mùa vụ nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Việc vận chuyển GSGC sau giết mổ cũng còn những tồn tại bất cập, nhất là đối với việc giết mổ lợn. Thực trạng số lượng lợn vận chuyển bằng xe chuyên dụng còn thấp, phần lớn lợn sau giết mổ bằng xe máy (cả con lợn sau giết mổ vắt ngang qua xe máy), không che chắn, không có thùng bảo quản chuyên dụng vận chuyển trên đường gây mất vệ sinh thú y và gây mỹ quan.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, để giải quyết các tồn tại hạn chế trong công tác giết mổ GSGC, hiện nay ngành nông nghiệp thủ đô đang thực hiện các giải pháp nhằm phấn đấu giảm khoảng 50% số cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư đến năm 2020, tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trên địa bàn các huyện, thị xã.
Tăng tỷ lệ kiểm soát các cơ sở giết mổ GSGC trên địa bàn thành phố, đảm bảo cung cấp phần lớn lượng thịt gia súc, gia cầm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô từ các cơ sở giết mổ, chế biến tập trung đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng chia sẻ, trong thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh GSGC trên địa bàn quản lý theo phân cấp; phối hợp các cơ quan chức năng liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; tăng cường hợp tác với các tỉnh trong công tác quản lý giết mổ; có lộ trình và giải pháp đưa các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch.
Huy Trung