Cuối năm là thời điểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chuẩn bị nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng vào dịp Tết. Sự phong phú, đa dạng về chủng loại các mặt hàng thực phẩm kéo theo nguy cơ hàng giả, thực phẩm kém chất lượng trà trộn gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Rất nhiều nghị định, quy định mới ban hành để thắt chặt vấn đề vệ sinh ATTP
Theo Sở Y tế, trong năm 2018, ngành đã thanh tra, kiểm tra trên 3.100 lượt cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, phát hiện 677 cơ sở có vi phạm về ATTP, xử phạt 57 cơ sở thực phẩm với số tiền hơn 155 triệu đồng. Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường các huyện, TP phối hợp với các ngành có liên quan tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý 340 vụ việc vi phạm về ATTP, xử phạt vi phạm hành chính gần 500 triệu đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy trên 200 triệu đồng.
Rất nhiều nghị định, quy định mới ban hành để thắt chặt vấn đề trên.
Xác định rõ vấn đề đảm bảo ATTP ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân và sự phát triển của TP, hàng loạt chương trình, kế hoạch, đề án về ATTP đã được TP Hà Nội đặt ra và coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Thủ đô. Từ kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia ATTP giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn 2030, tổ chức phong trào thi đua ATTP trên toàn địa bàn TP, tháng hành động vì ATTP cho đến các đề án về mô hình điểm thức ăn đường phố, ATTP bếp ăn tập thế, bữa ăn tập thể an toàn…, tất cả đều được triển khai đồng bộ từ cấp TP đến xã, phường, thị trấn có sự kiểm tra, giám sát và đánh giá của các đoàn thanh, kiểm tra theo định kỳ và đột xuất.
Cũng để tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, các đoàn của tỉnh sẽ kiểm tra những cơ sở cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở thương mại tập trung, cơ sở nhập khẩu thực phẩm và những địa bàn khó khăn có nhiều nguy cơ thực phẩm không đảm bảo được chuyển đến; các đoàn liên ngành cấp huyện, xã, phường thực hiện kiểm tra các cơ sở vừa và nhỏ. Các đoàn sẽ kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP; lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP khi cần thiết. Tỉnh tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, như bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát, rau, quả, các loại thịt và thực phẩm được chế biến từ thịt, cá… tại chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở thương mại tập trung, cơ sở nhập khẩu thực phẩm.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết: ““Thời gian tới, TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh phối hợp liên ngành, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, giám sát hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về ATTP, xử nghiêm các trường hợp vi phạm. TP siết chặt quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất sử dụng trong nông nghiệp như: Hóa chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm rau, củ, quả; chất kháng sinh và chất cấm tăng trưởng trong sản phẩm thủy sản, gia súc, gia cầm… Đồng thời, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin kịp thời về thực trạng ATTP, khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai các cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng. Hà Nội sẽ phát triển mạnh các vùng rau an toàn, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, quản lý các chợ, siêu thị; xây dựng, nâng cấp cơ sở kiểm nghiệm ATTP; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm..., góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân Thủ đô” - ông Chung nhấn mạnh.
Từ nay đến Tết Nguyên đán 2019, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP dịp trước, trong và sau Tết.
Trang Nguyễn