Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra hàng hóa
Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra hàng hóa

Trong tháng 4, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Hà Nội vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là các hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân như thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng. Việc sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trong các lĩnh vực như hàng dệt may, da giày, điện tử, đồ gia dụng... vẫn diễn ra, với nhiều thủ đoạn và phương thức khác nhau. Đặc biệt, tháng 4 là “Tháng vì hành động an toàn thực phẩm”, các lực lượng chức năng thành phố tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm về lĩnh vực an toàn thực phẩm. Điển hình, Đội Quản lý thị trường số 17 phát hiện 1.050 kg nầm lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ; Đội Quản lý thị trường số 7 phát hiện 3.700 sản phẩm xúc xích không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Trong tháng, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 03/KH-BCĐ389/TP ngày 29/2/2024 về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Hà Nội năm 2024; Kế hoạch số 04/KH-BCĐ389/TP ngày 14/3/2024 của Ban Chỉ đạo 389 thành phố về tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn năm 2024; Kế hoạch số 111/KH-BCĐ389 ngày 22/11/2022 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Kế hoạch số 09/KH-BCĐ389 ngày 19/12/2022 của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua cảng hàng không quốc tế; Kế hoạch số 92/KH-BCĐ389 ngày 13/09/2022 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa...

Kết quả, trong tháng, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 thành phố thanh tra, kiểm tra 1.030 vụ, xử lý 865 vụ vi phạm; xử lý hành chính 858 vụ, khởi tố 6 vụ đối với 8 đối tượng. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu 207 vụ; hàng giả vi phạm sở hữu trí tuệ 117 vụ; gian lận thương mại 541 vụ; tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 38,774 tỷ đồng.

Trong đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã làm tốt vai trò Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Thành phố trong công tác tham mưu các giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.

Trong tháng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội thanh tra, kiểm tra 451 vụ, xử lý hành chính 389 vụ. Xử phạt hành chính 5,505 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 2,406 đồng.

Theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: “Trong tháng 4, Ban chỉ đạo 389 Thành phố đã chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tích cực, chủ động trong điều hành, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của cấp trên, phối hợp tốt giữa các lực lượng trên địa bàn trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các mặt hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm,... đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần ổn định thị trường thành phố, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh và người tiêu dùng".

Trong tháng 5, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND thành phố về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường; chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp để đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tiếp tục kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm trong dịp “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024; tăng cường phối hợp, chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và người dân trên địa bàn. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền hình, báo chí thực hiện tốt công tác tuyên truyền về đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Nguyễn Kiên