Những vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em chỉ được phát hiện khi sự việc đã diễn ra, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và tinh thần của các em. Trẻ em khi  bị xâm hại gặp phải nhiều vấn đề gây ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần, thậm chí hủy hoại tương lai của trẻ. Những trẻ bị bạo hành có nguy cơ bị trầm cảm, mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần, có thể dẫn đến tự tử.

Hà Nội: Trả lời chất vấn về việc phòng chống và ngăn chặn xâm hại trẻ em - Hình 1

(Ảnh minh họa)

Trả lời chất vấn của các đại biểu, UBND thành phố chỉ rõ, nguyên nhân khách quan là những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, dẫn đến sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận người dân; đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em đa số có mối quan hệ quen biết nên gia đình nạn nhân mất cảnh giác. Trong khi đó, vì sợ bị kỳ thị nên nhiều gia đình không tố giác tội phạm. Nguyên nhân chủ quan là một số ban, ngành của thành phố chưa thực sự vào cuộc, coi việc phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em là của ngành Công an... 

Nhằm sớm ngăn chặn các hành xâm hại trẻ em, UBND thành phố chỉ đạo Công an thành phố, các sở, ngành, đoàn thể xác định rõ trách nhiệm; triển khai các chuyên đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Trong đó, các cấp, ngành sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức trách nhiệm cho nhân dân, nhất là nâng cao kỹ năng phòng vệ cho trẻ em.

Bên cạnh đó, ngành Công an cần quản lý chặt những đối tượng có tiền án, tiền sự về tội nêu trên. Các cơ quan khối nội chính nên lựa chọn, đưa ra xét xử công khai các vụ án điểm nhằm tăng tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm.

Để trẻ được sống trong môi trường không bạo lực, xâm hại và bóc lột thì cần củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em, các cấp, ngành cần đầu tư nhiều hơn vào công tác phòng ngừa, ngăn chặn, chứ không chạy theo xử lý sau khi tội ác đã được thực hiện. Đội ngũ cán bộ bảo vệ trẻ em ở các cấp cần được nâng cao năng lực, xây dựng các dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên biệt như tư vấn tâm lý, bảo vệ trẻ em trong tố tụng... Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa truyền thông trong mỗi gia đình, nhà trường, nhằm tăng năng lực quản lý gia đình cũng như tăng cường trách nhiệm của cha mẹ, anh chị em, nhà trường, xã hội.

Hằng Vương