THCL Theo các chuyên gia, việc triển khai xây dựng các khu đô thị vệ tinh theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô còn chậm. Nguyên nhân là do hệ thống quy hoạch của các đô thị vệ tinh vẫn thiếu và chưa đồng bộ, khó khăn về nguồn vốn đầu tư, các đô thị vệ tinh của Hà Nội chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đô thị, các tỉnh thành trong Vùng Thủ đô và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc…

Hà Nội: Triển khai xây dựng đô thị vệ tinh còn chậm - Hình 1

Toàn cảnh hội thảo

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo“Cơ hội và giải pháp thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh thành phố Hà Nội” tổ chức sáng nay tại Hà Nội, do Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội phối hợp tổ chức.

 Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm; 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn; các thị trấn sinh thái được liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai kết hợp các trục hướng tâm. Hiện nay, khu vực nội đô tập trung quá đông dân cư cùng với số lượng lớn các trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp… đã dẫn đến quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, ô nhiễm môi trường. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải đẩy nhanh phát triển các đô thị vệ tinh của Thành phố Hà Nội.

Theo các chuyên gia, việc triển khai xây dựng các khu đô thị vệ tinh theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô còn chậm. Nguyên nhân là do hệ thống quy hoạch của các đô thị vệ tinh vẫn thiếu và chưa đồng bộ, khó khăn về nguồn vốn đầu tư, các đô thị vệ tinh của Hà Nội chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đô thị, các tỉnh thành trong Vùng Thủ đô và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc… Các đại biểu nêu ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh quá trình xây dựng đô thị vệ tinh Hà Nội, trong đó cần tập trung thu hút nguồn lực đầu tư cho đô thị vệ tinh, phát triển hệ thống giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh, thu hút dân cư từ đô thị trung tâm ra đô thị vệ tinh, đồng thời quản lý khu vực hành lang xanh…

Kiến trúc sư Nguyễn Trúc Anh, Viện trưởng, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho hay: “Phải có một cơ chế về tài chính. Chúng ta đầu tư toàn những đường “đắt nhất hành tinh”, những dự án hạ tầng mà không thu được đồng nào từ chênh lệch địa tô. Trong Luật Thủ đô mà hiện đang trình lại Thường vụ Quốc hội phải xin một cơ chế tài chính đưa ra được những nguồn thu mới, và khi đầu tư phát triển hạ tầng thì phải có những nguồn thu bù lại để phát triển đô thị vệ tinh, thì các đô thị vệ tinh mới có tiền để đầu tư hạ tầng. Còn nếu làm như thế này vừa không có hạ tầng ở ngoài đồng bộ để kéo dân ra, vừa bị vướng mắc bởi bài toán cứ quanh đi quẩn lại “con gà - quả trứng” trong nội đô”.

Kiều Tuyết