Hà Nội hiện ghi nhận gần 9.800 ca mắc sốt xuất huyết, có những tuần trong tháng 9 đã lên mức kỷ lục trong năm. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng gấp 4 lần. Ghi nhận tại các bệnh viện, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng nhanh ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, đáng chú ý hơn, không ít ca đã gặp biến chứng rất nhanh.
Đơn nguyên truyền nhiễm, tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, có đến 90% bệnh nhân là mắc sốt xuất huyết. Không ít bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tiểu cầu giảm thấp. Theo khuyến cáo, tiểu cầu giảm dưới 50g/l cần phải nhập viện ngay, nếu không, sẽ có thể nguy kịch.
Theo thống kế, các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần là: Phú Xuyên (163 ca), Hoàng Mai (136 ca), Cầu Giấy (134 ca), Hà Đông (132 ca), Đống Đa (125 ca), Đan Phượng (122 ca), Thanh Oai (119 ca), Thanh Trì (104 ca).
Ngoài ra, các xã, phường ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần là phường Định Công, quận Hoàng Mai (44 ca); xã Tân Lập, huyện Đan Phượng (40 ca); phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy (34 ca); xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (35 ca); xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (34 ca); xã Cao Viên, huyện Thanh Oai (31 ca)…
Cũng trong tuần này, Hà Nội ghi nhận thêm 72 ổ dịch sốt xuất huyết tại 15 quận, huyện: Đống Đa (16 ổ dịch); Hà Đông, Hoàng Mai – mỗi nơi có 8 ổ dịch; Thanh Oai (7 ổ dịch); Phúc Thọ (6 ổ dịch); Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm mỗi nơi có 4 ổ dịch; Tây Hồ, Quốc Oai, Phú Xuyên (3 ổ dịch); Đan Phượng, Thường Tín, Ba Vì (2 ổ dịch); Hoàn Kiếm, Mỹ Đức (1 ổ dịch).
Các chuyên gia nhận định, Hà Nội đang là trọng điểm về sốt xuất huyết của miền Bắc, với số ca bệnh chiếm từ 80 - 85%. Dịch sốt xuất huyết được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong tháng 9 này và tháng 10 tới đây - giai đoạn được coi là đỉnh dịch.
Vậy nên, diệt muỗi, diệt lăng quăng, giữ gìn vệ sinh nơi ở và có những biện pháp bảo vệ bản thân vẫn là những việc tiếp tục cần phải duy trì trong khoảng thời gian này.
Thiên Trường