Người lao động hang hái trở lại làm việc sau Tết
Trước đó, theo báo cáo của Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, sáng ngày 3/2 (tức mùng 6 Tết Nguyên đán) - ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, có tới 91,68% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã mở xưởng sản xuất. Riêng, tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, con số này đạt 97,53% với 356/365 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Tỷ lệ công nhân quay lại làm việc cũng đạt mức cao, với 95,18% lao động trở lại, riêng tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội là 96% (số liệu thống kê từ các doanh nghiệp đã mở cửa sản xuất). Đến ngày 7/2 (mùng 10 tháng Giêng), tỉ lệ doanh nghiệp hoạt động trở lại đã đạt 99,52%, trong đó các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đạt 100%. Số công nhân quay lại làm việc cũng tăng lên 99,54%, đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất sau kỳ nghỉ Tết.

Năm 2024, cũng tính đến mùng 6 Tết, mới có 80,78% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với 88,67% số công nhân lao động trở lại làm việc. So với năm 2024, số doanh nghiệp mở xưởng để sản xuất và số công nhân lao động trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán của năm 2025 cao hơn hẳn.
Thông tin trước báo chí, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, có được những tín hiệu đáng mừng trên một phần do trong những ngày đầu năm mới Ất Tỵ, Liên đoàn Lao động thành phố đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổ chức 7 chuyến xe miễn phí, đưa 400 lao động từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An trở lại làm việc. Bên cạnh đó, Công đoàn cũng tổ chức các hoạt động thăm hỏi, chúc mừng năm mới và trao lì xì cho con em công nhân.
“Những ngày đầu năm mới, lượng phương tiện đổ về Thủ đô rất lớn khiến việc di chuyển của người lao động gặp nhiều khó khăn. Do đó, chúng tôi tổ chức những chuyến xe miễn phí nhằm hỗ trợ người lao động trở lại Hà Nội thuận lợi hơn. Đây cũng là cách để “giữ chân” người lao động với doanh nghiệp và củng cố niềm tin vào tổ chức Công đoàn”, ông Thắng chia sẻ.
Phản ánh sự ổn định và phát triển của thị trường lao động
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, giai đoạn sau Tết Nguyên đán là khoảng thời gian khó khăn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp. Những năm trước, một số doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, dẫn đến tình trạng người lao động sau khi về quê ăn Tết không quay lại mà tìm kiếm công việc mới tại địa phương. Tuy nhiên, năm nay, hiện tượng “nhảy việc” giảm đáng kể.
“Người lao động cần tránh tư tưởng “Đứng núi này trông núi nọ” mà bỏ việc sau Tết Nguyên đán. Để tìm kiếm được công việc phù hợp với năng lực, sở trường của công nhân là không dễ dàng. Người lao động cần nhìn rộng, tính xa hơn, tránh những rủi ro không đáng có khi tìm kiếm công việc mới. Nếu thực sự doanh nghiệp đang gặp khó khăn, việc đầu tiên người lao động nên làm là nên gắn bó, chia sẻ, đồng hành để vực dậy doanh nghiệp, thay vì nghĩ đến nghỉ việc, tìm hướng đi mới”, ông Vũ Quang Thành chia sẻ.

Nhận định về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Tiến, giảng viên khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc tỉ lệ công nhân ở Hà Nội trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán tăng cao phản ánh sự ổn định và phát triển của thị trường lao động. Điều này cho thấy công nhân có niềm tin vào doanh nghiệp và nền kinh tế, đồng thời cho thấy các doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn đã thực hiện hiệu quả các chính sách chăm lo đời sống cho người lao động, như tăng lương, thưởng Tết và tổ chức các hoạt động hỗ trợ.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng lưu ý rằng việc duy trì tỉ lệ công nhân quay lại làm việc cao sau Tết còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: Tình hình kinh tế vĩ mô, nhu cầu thị trường và chính sách từ doanh nghiệp. Vì vậy, cần tiếp tục theo dõi, đánh giá để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của thị trường lao động.
Trước đó, theo dự báo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, sau nghỉ Tết, một số lực lượng lao động có thể không quay lại do thay đổi công việc hoặc chuyển đổi chỗ ở. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tạm thời và nhu cầu tuyển dụng nhân sự mới trong quý I/2025 tăng cao, đặc biệt ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp thường chủ động có chính sách “giữ chân” nhân viên, nâng cao chế độ đãi ngộ để giảm thiểu việc biến động lao động sau Tết.
Ngoài ra, một lực lượng lớn lao động trong khối đơn vị sự nghiệp sau phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy Nhà nước sẽ tham gia vào thị trường lao động, tạo áp lực cho vấn đề kết nối việc làm cho các đối tượng này.
Tuấn Ngọc (t/h)