Chiều 6/3, đại diện UBND huyện Đông Anh cho biết, trên địa bàn huyện đã xuất hiện 1 ổ dịch tả lợn châu Phi.
Cụ thể, tối ngày 5/3, gia đình bà Trương Thị Vân (thôn Thụy Lôi) phát hiện 1 con lợn chết, ngay sau đó gia đình bà báo lên chính quyền địa phương. Trong đêm 5/3, cơ quan chức năng đã tổ chức tiêu hủy 10 con lợn trong đàn của hộ gia đình trên.
Ảnh minh họa
Ngay trong sáng 6/3, huyện Đông Anh đã tiến hành tổng vệ sinh môi trường, phun thuốc tiêu độc khử trùng trên địa bàn toàn xã Thụy Lâm. Đồng thời lập 3 chốt kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào xã Thụy Lâm. Mỗi chốt kiểm dịch có 3 cán bộ liên ngành (công an viên/dân quân tự vệ, cán bộ xã, nhân viên thú y) làm nhiệm vụ, túc trực 24/24h, giám sát, phun thuốc phòng dịch cho các phương tiện ra vào xã.
Đại diện UBND huyện cho biết, việc khống chế dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Do đó, huyện đang huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc, nhằm khống chế kịp thời, có hiệu quả các nguy cơ xâm nhiễm, cũng như lây lan của bệnh dịch.
Trước đó, vào chiều 5/3, UBND TP. Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai việc ứng phó cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, để người chăn nuôi yên tâm và chủ động khai báo khi lợn bị nhiễm bệnh và phải tiêu hủy, các địa phương cần chủ động ngân sách từ nguồn dự phòng để hỗ trợ kịp thời cho bà con. Sau 5 ngày lợn bị tiêu hủy phải hỗ trợ tiền để bà con yên tâm. Trước mắt, thực hiện hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn hơi.
Ông Nguyễn Văn Sửu cũng yêu cầu, lãnh đạo các sở ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là các bí thư, chủ tịch các địa phương phải trực tiếp vào cuộc. Nếu quận, huyện nào để xảy ra tình trạng người dân ném lợn chết ra sông thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước TP.
Hằng Vương