Hạ tầng giao thông tiếp tục đột phá nhờ…“chỉ bàn làm, không bàn lùi”
Năm 2024, ngành giao thông vận tải (GTVT) đã đưa toàn bộ 11 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 hoàn thành đi vào khai thác nối liên thông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước lên 2.021km.
![Ảnh minh họa, nguồn internet. Ảnh minh họa, nguồn internet.](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2025/01/29/giaothongkts1-1738113090.jpg)
Cùng với đó, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 cũng đang được gấp rút triển khai thi công mạnh nhằm đảm bảo tiến độ.
Cụ thể, 12 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021 - 2025) dài 729 km, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km) được áp dụng hình thức chỉ định thầu được triển khai thi công, đến nay, có 7 dự án dự kiến sẽ hoàn thành giữa năm sau, số còn lại được đẩy tiến độ để phấn đấu thông xe cuối năm 2025.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh đã phác họa bức tranh toàn diện về kết quả toàn ngành đạt được sau một năm vượt khó. Trong đó, đặc biệt phải kể đến là đột phá kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo Bộ trưởng, trong năm 2024, Bộ GTVT đã khởi công 10 dự án, khánh thành đưa vào khai thác 8 dự án. Tiến độ các dự án trọng điểm đều được đảm bảo.
Hưởng ứng phong trào thi đua cao điểm 500 ngày đêm đưa 3.000km đường bộ cao tốc về đích năm 2025, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến sẽ hoàn thành vượt tiến độ từ 3 - 6 tháng.
![Hạ tầng giao thông Hạ tầng giao thông](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2025/01/29/2a-15592023090622321220230907112852-1738113189.jpg)
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh, công trường bứt tốc, công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng ghi nhận nhiều điểm sáng. Năm 2024, Bộ GTVT được giao khoảng 75.481 tỷ đồng (gồm 71.288 tỷ đồng được giao và kéo dài theo Kế hoạch năm 2024 và 4.193 tỷ đồng được giao bổ sung từ tháng 11/2024).
Hạ tầng giao thông hoàn thiện giúp cho việc đi lại, giao thương, xuất nhập khẩu hàng hoá của người dân, doanh nghiệp đã được rút ngắn thời gian di chuyển, giảm thiệt hại về chi phí logistics...
Nếu trước đây, người dân di chuyển từ Hà Nội đến Diễn Châu (Nghệ An) mất tới 5 giờ di chuyển, đến nay, khi tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc cao tốc Bắc - Nam được đưa vào khai thác, thời gian di chuyển được rút ngắn xuống chỉ còn 3,5 giờ.
![tại công trình nhà ga T3, không khí làm việc của đội ngũ công nhân và kỹ sư rất khẩn trương. Liên danh nhà thầu đã huy động hơn 350 đầu máy thiết bị và gần 1.000 nhân lực để triển khai đồng loạt các hạng mục trên công trường. ga t3 tan son nhat anh 2 Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất có 2 gói thầu xây lắp đã và đang triển khai bao gồm gói thầu số 11 (thi công phá dỡ, nền đất, móng cọc, sàn đáy tầng hầm công trình) và gói thầu số 12 (thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3). tại công trình nhà ga T3, không khí làm việc của đội ngũ công nhân và kỹ sư rất khẩn trương. Liên danh nhà thầu đã huy động hơn 350 đầu máy thiết bị và gần 1.000 nhân lực để triển khai đồng loạt các hạng mục trên công trường. ga t3 tan son nhat anh 2 Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất có 2 gói thầu xây lắp đã và đang triển khai bao gồm gói thầu số 11 (thi công phá dỡ, nền đất, móng cọc, sàn đáy tầng hầm công trình) và gói thầu số 12 (thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3).](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2025/01/29/untitled-1738113632.png)
Nỗ lực trong năm bản lề, năm 2025 dự kiến có 50 dự án giao thông sẽ được đưa về đích. Trong đó, hàng loạt dự án lớn như: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (12 dự án thành phần); đường Hồ Chí Minh các đoạn: Chơn Thành - Đức Hòa; Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; cao tốc Hòa Liên – Túy Loan… sẽ hoàn thành, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025.
Lĩnh vực hàng không với các dự án trọng điểm như: Nhà Ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; hạng mục đường cất hạ cánh dự án thành phần Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2025.
Năm 2025, Bộ GTVT được giao dự toán ngân sách Nhà nước hơn 71.135 tỷ đồng (nếu tính cả nguồn vượt thu các năm 2021, 2022, 2023 thì tổng kế hoạch vốn năm 2025 khoảng 87.000 tỷ đồng).
![Anh Anh](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2025/01/29/untitled-1738113403.png)
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII, là năm cần đưa vào khai thác gần 1.000km đường bộ cao tốc, cũng như cần chuẩn bị đầu tư một số dự án có quy mô rất lớn, tiến độ rất gấp (dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt kết nối Trung Quốc) trong điều kiện sẽ có nhiều thay đổi về bộ máy, cơ cấu, tổ chức.
Năm 2025, đưa vào khai thác gần 1.000km đường cao tốc
Có thể nói, đầu tư hạ tầng mạnh mẽ và đạt được kết quả kỳ vọng mang lại diện mạo mới cho đất nước và sự lan toả kinh tế sang nhiều lĩnh vực. Nhiều tuyến cao tốc Bắc – Nam vượt sông hồ, xuyên núi, xuyên rừng, đi qua những vùng đất hoang sơ đã được khánh thành đưa vào khai thác mở ra không gian phát triển đô thị mới, tạo trục "xương sống" phát triển kinh tế xã hội của đất nước, làm thay đổi nhiều vùng đất.
Tương tự, kể từ khi tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được đưa vào khai thác, thời gian di chuyển của người dân từ TP.Hồ Chí Minh đến thành phố du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) được rút ngắn còn gần 5 giờ đi ô tô, thay vì mất 8 giờ nếu đi trên Quốc lộ 1.
Tại kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2024), Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sơ bộ tổng vốn 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương 67 tỷ USD, dự kiến hoàn thành năm 2035.
Đặc biệt, sau hơn 18 năm triển khai nghiên cứu bài bản, thận trọng, khoa học trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trên thế giới, tiếp thu có chọn lọc để phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta, Bộ đã hoàn thành nghiên cứu, báo cáo và được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thông qua Nghị quyết về Đề án đầu tư Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Bộ GTVT cũng đồng thời phối hợp với TP. HCM, TP. Hà Nội chuẩn bị bài bản, công phu, khoa học, tiếp thu kết luận của Thường trực Chính phủ, hoàn thiện và trình Bộ Chính trị thông qua Đề án hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị của 2 thành phố.
Hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ đưa đất nước vươn mình
Trước đó, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào giữa tháng 10/2024, về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Năm 2024, phát triển kết cấu hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ, có bước đột phá rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực".
Tiến sỹ Trần Khắc Tâm, ĐBQH khoá 13, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết: Những năm trước đây, ngành logistics Việt Nam vẫn còn một số hạn chế khi chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế và chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương".
Nguyên nhân khiến cho ngành logistics phát triển chậm là do cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin... trong nước và với khu vực còn yếu.
![Ảnh Ảnh](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2025/01/29/nutgiaomythuy-1738113260.jpg)
Tiến sỹ Trần Khắc Tâm cho biết, sau gần 40 năm đổi mới và 13 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2020 được đề ra tại Đại hội lần thứ XI của Đảng, hệ thống hạ tầng giao thông Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ đưa Đất nước vươn mình và "lột xác" để phát triển theo cấp số nhân.
Trước những sự thay đổi của hạ tầng giao thông, Tiến sỹ Trần Khắc Tâm đánh giá: "Đây là thành quả từ những nỗ lực không mệt mỏi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cả hệ thống chính trị. Hạ tầng giao thông có sự "chuyển mình" rõ nét nhờ vào đột phá về thể chế và chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Theo Tiến sỹ Trần Khắc Tâm, kết quả có được nhờ chủ trương, chính sách được khơi thông từ trên xuống dưới, nguồn vốn ngân sách dù không nhiều nhưng luôn được bố trí, phân bổ cho các dự án giao thông một cách kịp thời, phù hợp. Sự sát sao, chỉ đạo quyết liệt là một trong những điểm nhấn giúp hệ thống hạ tầng giao thông có những bước phát triển đột phá.
PV/VOV.vn