Số liệu từ Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho thấy, Hà Tĩnh có tổng mức bức xạ mặt trời tương đối cao, trung bình 1.562 kWh/m2/năm, số giờ nắng trung bình trên 1.600 giờ/năm. Đây là điều kiện thuận lợi để đầu tư các dự án điện mặt trời.
Phối cảnh thiết kế các trụ tuabin tại trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh
Cùng với tiềm năng từ thiên nhiên, Hà Tĩnh cũng là địa phương có hạ tầng truyền tải điện khá tốt với 2 trạm biến áp 500kV, 5 tuyến đường dây 500kV; 2 trạm biến áp 220kV, 9 tuyến đường dây 220kV; 9 trạm biến áp 110kV, 13 tuyến dây 110kV và hơn 2.640km đường dây trung, hạ áp. Đây là hạ tầng quan trọng để doanh nghiệp đầu tư các nhà máy sản xuất điện và truyền tải lên lưới.
Nhận thấy tiềm năng bức xạ mặt trời ở Hà Tĩnh khá lớn, cùng với chính sách, cơ chế ưu đãi dành cho dự án điện mặt trời của Chính phủ, Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn đã đầu tư xây dựng Nhà máy Điện mặt trời Cẩm Hòa, công suất 50 MWp tại xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).
Dự án Nhà máy điện mặt trời đầu tiên tại Hà Tĩnh với tổng vốn gần 1.500 tỷ đồng do Cty CP Tập đoàn Hoành Sơn làm chủ đầu tư đã hòa vào lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường (Ảnh: Lễ cắt băng khánh thành dự án với sự tham gia của nguyên Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội)
Đại diện lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn cho biết, dự án được thực hiện theo chủ trương khuyến khích đầu tư và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường của Chính phủ. Đến nay, sau 1 năm chính thức vận hành thương mại, phát điện lên lưới điện quốc gia, nhà máy đã sản xuất hơn 70 triệu kWh điện, doanh thu 150 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 15 tỷ đồng. Dự án không chỉ có ý nghĩa kinh tế đối với nhà đầu tư mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và đóng góp ngân sách, thúc đẩy KT-XH của địa phương phát triển.
Không những tạo điều kiện những doanh nghiệp trong nước, địa phương còn hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, thông tin từ Sở Công thương Hà Tĩnh, ngoài dự án của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn đã đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả, tỉnh Hà Tĩnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty GA Power PTE.LTD (CHLB Đức) thực hiện 2 dự án điện mặt trời, tổng công suất 48MW, tổng mức đầu tư 46,6 triệu USD tại Hương Sơn và Cẩm Xuyên.
Đại diện Công ty ME-LE (CHLB Đức) phát biểu tại hội nghị giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư và hợp tác giữa tỉnh Hà Tĩnh với bang Mecklenburg – Vorpommenrn (CHLB Đức)
Được biết, bên cạnh khai thác tiềm năng nắng, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp chuyên tái tạo năng lượng cũng đặt vấn đề với Hà Tĩnh đầu tư trên lĩnh vực điện gió, trong đó phải kể đế Tập đoàn HBRE. Ngay sau khi được UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý chủ trương khảo sát dự án, Tập đoàn HBRE đã hoàn thành lắp đặt cột đo, thu thập số liệu gió và lập hồ sơ xin bổ sung dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
“Dự án điện gió của HBRE được khảo sát đầu tư xây dựng tại thị xã Kỳ Anh có tổng công suất 120MW, sản lượng điện dự kiến phát lên lưới 356.368MWh/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến là 4.258 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã được Chính phủ đồng ý cho bổ sung vào quy hoạch phát triển điện quốc gia. Dự kiến tháng 9/2020 chúng tôi sẽ triển khai khởi công dự án”, ông Hồ Tá Tín – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HBRE cho biết.
Trên lĩnh vực điện mặt trời, điện gió, hiện còn có 4 doanh nghiệp lớn khác cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư dự án điện khí tại KKT Vũng Áng, gồm: Tập đoàn T&T, liên danh Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn và Công ty CP Đầu tư và phát triển Đông Thịnh Phát, Công ty CP Thương mại và tư vấn Tân Cơ, Tổng Công ty Cổ phần thương mại xây dựng.
Ưu tiên đầu tư các dự án năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo không chỉ đáp ứng nhu cầu trên địa bàn Hà Tĩnh mà còn góp phần thực hiện mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Hà Tĩnh góp phần thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Hoàng Linh – Lê Quyết