.
Dự án đường ứng cứu kết hợp thi công tại Km3+100, thuộc địa phận xóm 12, thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, đã thi công gần 1 tháng nhưng vẫn chưa có đơn vị giám sát
Cả đơn vị thi công lẫn chủ đầu tư đang “kẻ tung, người hứng” khiến dự án có “vấn đề” ngay từ thời gian đầu thi công. Dư luận không khỏi hoài nghi: Chất lượng công trình liệu có đảm bảo?
Dự án được phê duyệt theo Quyết định số 3136/QĐ-UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 27/10/2017 về thiết kế bản vẽ thi công – dự toán hạng mục tuyến đường ứng cứu kết hợp thi công tại vị trí Km3+100 thị trấn Đức Thọ thuộc Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đê La Giang.
Công trình do Ban quản lý các dự án xây dựng cơ bản ngành NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh – Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, liên doanh Công ty TNHH Vĩnh Phúc (TP. Hà Tĩnh) và Công ty TNHH Xây dựng Khánh Môn (trụ sở tại thôn 1, xã Thạch Môn, TP. Hà Tĩnh) thi công với tổng giá trị dự toán xây dựng 22,397 tỷ đồng.
Quy mô dự án, gồm 2 tuyến: Tuyến Đường ứng cứu kết hợp thi công tại vị trí K3+100 xóm 12, thị trấn Đức Thọ có chiều dài gần 1,5 km. Điểm đầu tại Km0+574,62 giao với tim đường vào UBND huyện Đức Thọ, điểm cuối tại Km2+71,65 giao với tim đường vào Quốc lộ 8A, là công trình giao thông cấp III. Và tuyến đường gom dân sinh, kè chắn mái đê La Giang đoạn qua phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh có chiều dài 351,54m, điểm đầu tại Km15+751,50 và điểm cuối tại Km16+103,04 là công trình NN&PTNT cấp IV.
Hiện đơn vị thi công triển khai thi công tuyến đường ứng cứu kết hợp thi công tại vị trí K3+100 xóm 12, thị trấn Đức Thọ. Theo quyết định phê duyệt dự án, nền đường rộng 18 m, được đắp bằng đất đồi đạt độ chặt K=0,95, sức chịu tải xác định theo chỉ số CBR=4. Trong đó, 30 cm nền đất dưới lớp áo đường đầm chặt bằng K0,98, sức chịu tải xác định theo chỉ số CBR=6. Riêng đoạn đường từ K1+210 đến K1+840, nền đường được gia cố lớp vải địa kỹ thuật và đắp thay đất bằng lớp cát dày 0,5 m.
Mặt đường rộng (2x4)m, lề đường (2x5)m. Kết cấu mặt đường tính từ trên xuống gồm lớp bê tông xi măng Rb300 dày 23cm, lớp bạt xác rắn, lớp móng cấp phối đá dăm loại II dày 15cm.
Dự án được khởi công gần 1 tháng nay, nhưng qua quá trình theo dõi, chúng tôi không hề thấy bóng dáng của đơn vị tư vấn giám sát. Trong khi đó, đối với những dự án trọng điểm như trên, ngoài việc kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư thì phải có một đơn vị tư vấn giám sát độc lập nhằm đảm bảo việc thi công theo đúng thiết kế đã được thẩm định, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Tại hiện trường thi công, rất nhiều xe cộ, máy móc, công nhân đang thi công trên toàn tuyến công trình. Tiến độ thi công diễn ra tương đối nhanh: Máy múc bóc đất phong hóa, xe chở đất đá đổ nền, máy lu… hoạt động liên tục. Nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của đại diện giám sát công trình ngoài công nhân và kỹ thuật của nhà thầu.
Theo Hồ sơ dự toán, hạng mục đấp đắp nền sẽ được lấy từ mỏ đất xã Đức An (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), nhưng chủ đầu tư và đơn vị thi công đã thống nhất sử dụng đất đắp trái quy định (đất phục vụ xây dựng nông thôn mới ở xã Phú Lộc, huyện Can Lộc) để đắp nền và chưa có kết quả kiểm định chất lượng.
Trao đổi với ông Nguyễn Khoa Thanh, Phó trưởng ban quản lý các dự án xây dựng cơ bản ngành NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh - đại diện chủ đầu tư dự án cho biết: "Trước mắt, ban tự thực hiện việc tư vấn giám sát. Công trình này, ban không đủ thời gian để lựa chọn tư vấn giám sát khác, ban đang trình Sở NN&PTNT để xin UBND tỉnh cho ban tự giám sát công trình".
“Theo dự toán sử dụng đất tại mỏ Đức An, nhưng chúng tôi cho phép nhà thầu sử dụng đất ở xã Phú Lộc, bởi đất ở xã Phú Lộc tốt hơn dù chi phí vận chuyển cao hơn. Điều này, gây thiệt hại cho đơn vị thi công một khoản chi phí không nhỏ” – ông Thanh nói.
Sử dụng đất đắp trái quy định lấy từ mỏ cải tạo NTM xã Phú Lộc và đất chưa qua kiểm định chất lượng
Dĩ nhiên, hàng chục nghìn mét khối đất đắp nền trái quy định dử dụng trong thi công dự án sẽ được nhà thầu và chủ đầu tư "phù phép" để có hóa đơn thanh toán hợp lệ khi quyết toán hoàn thành công trình (!)
Được biết, trong phụ lục kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho dự án, gói thầu: Tư vấn giám sát thi công gói thầu XL.06.LG có giá 457.153.000 đồng, bắt đầu chỉ định thầu từ tháng 10/2017. Thời gian lựa chọn theo tiến độ gói thầu xây lắp. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, phía đơn vị thi công đã gần hoàn thành phần đổ đất và lu lèn nền đường, nhưng vẫn chưa lựa chọn được đơn vị giám sát.
Dư luận không khỏi hoài nghi về cách thức tổ chức và quản lý trong việc đấu thầu và lựa chọn nhà thầu của Ban xây dựng cơ bản - Sở NN&PTNT. Và liệu rằng, hàng tỷ đồng tiền thuế của người dân đóng góp - có sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả như mong muốn?...
Lưu hà - Lê Mỹ