Ngày 29/4, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 27 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền. Trong đó, các đại biểu đã xem xét và thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương, thông qua Đề án sắp xếp, thành lập ĐVHC cấp xã năm 2025.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã xem xét, thảo luận và thông qua Nghị quyết chủ trương, đề án sắp xếp, thành lập ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh, từ 209 xã, phường hiện có xuống còn 69 ĐVHC cấp xã (9 phường, 60 xã). Trong đó, 2 xã giữ nguyên, 67 xã, phường thuộc diện sắp xếp với tỷ lệ giảm gần 67%, đáp ứng yêu cầu gần dân, sát dân, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp.
Trong quá trình xây dựng phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025, lãnh đạo Hà Tĩnh cho biết đã cân nhắc thận trọng các yếu tố đặc thù, xem xét toàn diện quá trình hình thành, phát triển của từng địa phương, chú trọng giữ gìn, củng cố và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống, lịch sử, phong tục, tập quán, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh để tập trung phát triển đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Các cấp, ngành đã bám sát quy định, hướng dẫn của Trung ương; đặc biệt, đã lấy ý kiến của Nhân dân với tỷ lệ đồng thuận rất cao. Một số ý kiến, nội dung được cử tri quan tâm có ý kiến đã được điều chỉnh, giải trình, tiếp thu và hoàn thiện kịp thời.
Các địa phương đã tiến hành thông báo niêm yết công khai lấy ý kiến cộng đồng dân cư về sắp xếp, đặt tên ĐVHC cấp xã. Đồng thời, tiến hành tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân. Quá trình sắp xếp ĐVHC đảm bảo quy định pháp lý và lợi ích tổng thể; việc đặt trung tâm ĐVHC mới được người dân đánh giá là thuận tiện. Đối với tên gọi ĐVHC mới, các địa phương đã tuân thủ quy trình, quy định và được đông đảo Nhân dân đồng tình, thống nhất cao.
Phát biểu tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tú Anh đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai các phương án, đề án để tổ chức thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã, kết thúc hoạt động chính quyền cấp huyện; trong đó lưu ý việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức; giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách sau sáp nhập; xử lý hiệu quả trụ sở, tài sản công sau sắp xếp.
Rà soát, tập trung giải quyết các khoản nợ xây dựng cơ bản và các nội dung còn tồn đọng thuộc thẩm quyền quản lý cấp huyện, cấp xã trước khi sắp xếp ĐVHC.
Trong công tác lưu trữ, quản lý sử dụng con dấu; chỉnh lý, điều chỉnh thông tin liên quan hồ sơ hộ tịch, đất đai, cần kịp thời, chính xác, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; không để phát sinh vướng mắc, khiếu nại, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Nhân dân.
Khánh Trình