Những năm vừa qua, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người lao động, tỉnh Hà Tĩnh nỗ lực kêu gọi đồng thời tạo ra nhiều chính sách nhằm thu hút các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo số liệu từ Sở Công Thương Hà Tĩnh, tỉnh này hiện có 21 cụm công nghiệp đã được thành lập, tổng diện tích hơn 558,2 ha với tổng số vốn đăng kí hơn 5.901 tỷ đồng. Hiện, số cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động là 19 cụm; trong đó có 3 cụm công nghiệp đang quá trình đầu tư, chưa có dự án thứ cấp gồm: Cụm công nghiệp Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, cụm công nghiệp Cổng Khánh 1, thị xã Hồng Lĩnh và cụm công nghiệp Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên.
Hà Tĩnh cũng đã xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tích hợp vào Quy hoạch tỉnh, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2030, toàn tỉnh có 45 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.892 ha. Sau năm 2030, quy hoạch mở rộng các cụm công nghiệp lên với tổng diện tích gần 2.250 ha.
Nhờ việc quy hoạch và thu hút đầu tư khá tốt đã mang lại những lợi ích lớn lao về mặt kinh tế - xã hội đối với tỉnh Hà Tĩnh. Các cụm công nghiệp góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa làm các ngành công nghiệp phụ trợ cho các tập đoàn lớn, dự án lớn mà tỉnh đã và đang thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Bênh cạnh đó, các cụm công nghiệp này cũng khai thác tiềm năng của các vùng miền, các địa phương, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế tại các huyện trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh tình hình thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế là do một số nguyên nhân chính, như: Vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho cụm công nghiệp còn hạn chế; nhiều cụm công nghiệp gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư kinh doanh hạ tầng do thiếu cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Do kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện nên khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp. Vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được chú ý trong quá trình xây dựng nên hầu hết các cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý môi trường.
Trên cơ sở đánh giá, phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp, để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào các cụm công nghiệp, tỉnh Hà Tĩnh đang tăng cường hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp hoàn thiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường... để thu hút dự án đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp.
Cùng với đó, sở Công Thương Hà Tĩnh cũng đồng hành cùng các doanh nghiệp trong công tác xúc tiến đầu tư, thu hút dự án thứ cấp vào thuê đất, đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp.
Lê Quyết