Chưa được cấp phép, bến bãi vẫn tấp nập hoạt động
Theo phản ánh của người dân xã An Thượng (TP Hải Dương), hiện một số bến bãi trên địa bàn dù chưa được cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động, tập kết vật liệu xây dựng, gạch không nung, chung chuyển vật liệu xây dựng từ thuyền sông lên bãi hoặc lên ô tô tải chở đi ra ngoài.
Xe tải chở vật liệu chạy dưới chân đê , bụi bay mù mịt
Từ phản ánh của người dân, PV đã ghi nhận thực tế một số bến bãi tại khu vực bãi sông tả Thái Bình (địa phận xã An Thượng, TP Hải Dương) vẫn ngang nhiên hoạt động dù chưa được cấp phép.
Tại bến bãi của bà Nguyễn Thanh Thủy (vợ ông Nguyễn Văn Trung, thôn Đồng, xã An Thượng) tại vị trí Km 24+545 đến Km 24-634 tuyến đi tả Thái Bình, vẫn còn tình trạng tập kết vật liệu trên bãi sông, nhà lán cũ chưa được tháo dỡ và giải tỏa. Cách đó không xa, tại bến bãi của ông Vũ Đức Trung (SN 1995, thôn Đồng, xã An Thượng, TP Hải Dương) vẫn còn tình trạng tập kết hàng vạn viên gạch không nung, các vật liệu xây dựng khác như cát vàng, đá, đá mạt, nhà lán cũ và một mấu cẩu.
Đáng chú ý, thời điểm PV ghi nhận thực tế, vẫn còn tình trạng nhiều xe trọng tải lớn tấp nập vào bến bãi để lấy vật liệu xây dựng. Nhiều xe tải đã vượt qua lối tự mở để qua đê khiến tuyến đê này bị ảnh hưởng cùng với đó là tình trạng vật liệu rơi vãi trên đường dẫn đến bụi mờ mịt ngày nắng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương.
Từ phản ánh của người dân và ghi nhận thực tế, PV đã có buổi làm việc với Hạt Quản lý đê điều TP Hải Dương. Đại diện Hạt Quản lý đê điều TP Hải Dương cho biết, phản ánh của người dân về việc các bến bãi trên vẫn hoạt động dù chưa có phép là có cơ sở.
Mới đây, sáng ngày 21/7, Hạt quản lý Đê TP Hải Dương cùng cán bộ Giao thông thủy lợi xã An Thượng đã kiểm tra bến bãi của bà Nguyễn Thanh Thủy tại vị trí Km 24+545 đến Km 24-634 tuyến đi tả Thái Bình và phát hiện bến bãi này đang tập kết vật liệu xây dựng từ thuyền lên mặt bãi, chủ yếu là cát san lấp.
Chủ bến bãi vẫn ngang nhiên tập kết vật liệu xây dựng lên mặt bãi mùa mưa lũ
Hạt quản lý Đê TP Hải Dương đã lập biên bản và yêu cầu bà Nguyễn Thanh Thủy dừng ngay việc tập kết, di chuyển hết vật liệu xây dựng đã tập kết ra khỏi bãi. Đồng thời, đề nghị UBND xã An Thượng kiểm tra, đôn đốc, giám sát, bến bãi này thực hiện những yêu cầu trên và xử lý theo thẩm quyền.
Tương tự, kiểm tra tại bến bãi của ông Vũ Đức Trung (SN 1995, thôn Đồng, xã An Thượng, TP Hải Dương) sáng ngày 21/7, lực lượng chức năng phát hiện tình trạng bến bãi này đang chuyển vật liệu xây dựng (đá bây) từ thuyền sông lên xe tải chạy ra ngoài bãi sông. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu ông Trung dừng ngay việc chung chuyển vật liệu xây dựng, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đê điều và bản cam kết không vi phạm luật Đê điều đã ký.
Theo biên bản các cơ quan chức năng cung cấp, từ đầu năm 2020 đến nay, Hạt Quản lý đê điều TP Hải Dương đã nhiều lần kiểm tra hai bến bãi trên và đều yêu cầu các chủ bến bãi di chuyển vật liệu xây dựng ra khỏi bãi, giải tỏa nhà lán, thiết bị máy móc để đảm bảo thông thoáng dòng chảy thoát lũ nhưng đến nay các hộ vẫn cố tình không chấp hành.
Loay hoay xử lý?
Theo Đại diện Hạt Quản lý Đê điều TP Hải Dương, trước đây, khu vực hai bến bãi trên là nơi sản xuất gạch liên tục kiểu đứng. Từ năm 2018, UBND tỉnh Hải Dương thực hiện xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh, khu vực này được người dân tận dụng để làm bến bãi tập kết vật liệu và sản xuất gạch không nung. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, hai bến bãi trên chưa có giấy phép. Việc các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng trên bãi, dựng một số công trình tạm, lều lán ngoài hành lang đê điều không được cấp thẩm quyền cho phép.
“Năm 2019, UBND TP Hải Dương đã lập đoàn kiểm tra đi kiểm tra các bến bãi trên địa bàn thành phố, Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện một số vi phạm tại hai bến bãi trên và ra quyết định xử phạt ông Nguyễn Văn Trung 40 triệu đồng và ông Vũ Đức Trung 2 triệu đồng” - đại diện Hạt Quản lý Đê điều TP Hải Dương cho hay.
Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã An Thượng cho biết, đến thời điểm này hai bến bãi trên đang làm thủ tục cấp phép nhưng vẫn chưa được cấp phép.
Xe trọng tải lớn chở vật liệu chạy cắt mặt đê mùa mưa bão
“Trước mùa mưa lũ, UBND TP Hải Dương và các đơn vị liên quan đã đi kiểm tra, lập biên bản vi phạm những hộ kinh doanh bến bãi. Đồng thời, đoàn liên ngành cũng yêu cầu các chủ bến bãi bên bãi dừng bốc xếp vật liệu trên bến bãi, tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm đê điều nhưng các doanh nghiệp này vẫn không chấp hành và tục hoạt động” - ông Bắc cho biết.
Trả lời PV về việc xử lý dứt điểm những vi phạm trên, ông Vũ Văn Bắc cho rằng, do quyền hạn của địa phương có hạn nên việc quản lý những bến bãi này rất khó khăn.
“Những vi phạm của các bến bãi này đã kéo dài nhiều năm qua. Từ cuối năm 2017, tỉnh Hải Dương có văn bản xóa bỏ lò gạch thủ công liên tục kiểu đứng gây ô nhiễm môi trường, nên đã tạo điều kiện cho những hộ sản xuất gạch chuyển sang làm gạch Tuynel. Do không có vùng nguyên liệu nên các đơn vị này chuyển sang làm gạch không nung, bến bãi vật liệu xâu dựng. Việc chuyển đổi này đã làm ảnh hưởng đến đê điều. Dù hàng năm UBND xã cùng các ban ngành đi kiểm tra nhưng không giải quyết được triệt để do nhu cầu người dân vẫn bất chấp sản xuất” - ông Vũ Văn Bắc cho hay.
Nói về việc một số người dân phản ánh, một trong hai bến bãi trên có liên quan đến một cán bộ Công an TP Hải Dương, ông Vũ Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã An Thượng cho biết, trước một trong hai bến bãi trên là do ông Nguyễn Văn Tập, là cán bộ công an TP Hải Dương làm một thời gian. Sau đó, ông Tập đi làm kinh tế không làm nữa, bến bãi này hiện nay do anh Vũ Đức Trung đứng tên và quản lý.
Theo thống kê của Hạt Quản lý đê TP Hải Dương, hiện trên địa bàn có 49 bến bãi nhưng chỉ có 4 bến bãi mới được cấp phép lại, đa số còn lại đều hết hạn và không phép. Thời gian qua, UBND TP Hải Dương đã nhiều lần yêu cầu các bến bãi không nằm trong quy hoạch, hoạt động sai phép, không phép hoặc có giấy phép nhưng hết hạn dừng mọi hoạt động, di chuyển toàn bộ vật liệu, phương tiện, tháo dỡ công trình vi phạm ra khỏi bãi sông, khôi phục hiện trạng ban đầu. Tháng 3/2020 đã có 37/37 bến bãi ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai, môi trường, đất đai, giao thông vận tải. Tuy nhiên, đến nay, bên cạnh một số bến bãi nghiêm túc chấp hành, vẫn còn nhiều bến bãi bất chấp, ngang nhiên hoạt động khi chưa được cấp phép.
Dư luận yêu cầu UBND TP Hải Dương và Hạt Quản lý Đê điều TP Hải Dương cần quyết liệt xử lý những bến bãi hoạt động khi chưa được phép để đảm bảo an toàn đê điều, hành lang thoát lũ trong mùa mưa bão, đồng thời đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.
Bùi Tú