Chất thải bên ngoài nhà máy xử lý rác thải của Công ty An Sinh
Đến khu dân cư thuộc thôn Phong Lâm, xã Hoàng Diệu, ngay bên cạnh đường Quốc lộ 37 chúng tôi đã thấy trong lòng mương dẫn nước tưới cho khu ruộng lúa là một màu đen đặc quánh bốc mùi khó chịu, từ cổng công ty An Sinh đến gần giáp cây xăng Quán Trắm.
Người dân bức xúc phản ánh: Từ khi, Công ty An Sinh hoạt động đến nay, cuộc sống bị đảo lộn, số người mắc các bệnh về đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản…ngày càng tăng. Do người dân phản ánh nhiều về tình trạng khói, bụi… công ty đã chuyển việc đốt rác, xử lý chất thải nguy hại vào ban đêm.
Công ty đốt rác về đêm nhằm mục đich che mắt chính quyền, bởi về đêm mọi người ngủ nên không thấy được khói bụi, mức độ ô nhiễm môi trường. Mỗi buổi sáng thức dậy, các nhà ở đây sân vườn, cây cối… phủ lớp bụi đen.
Ông Nguyễn Văn Đợi, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phong Lâm, xã Hoàng Diệu trao đổi với PV
Ông Hoàng Văn Kha sống tại thôn Phong Lâm nói: “Do nhà máy của Công ty An Sinh hoạt động liền kề khu dân cư, nên người dân thị tứ thường xuyên phải hứng chịu cảnh ô nhiễm môi trường không khí do khí thải xả ra. Không những vậy, chất thải nguy hại như: cặn xăng, sơn; dầu mỡ, dung môi không qua xử lý của Công ty còn đổ thẳng ra môi trường.
Nước thải từ trong rác thải, chất thải nguy hại rò rỉ ra ngoài ngấm vào lòng đất, làm ảnh hưởng lâu dài đến đời sống và sản xuất của người dân. Người dân đang nghi ngờ, Công ty hiện đang chôn lấp chất thải y tế, mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Kiến nghị, bức xúc dư luận và ô nhiễm môi trường của Công ty gây ra. Các cấp, ban, ngành cần nhanh chóng giải quyết, không thể để mãi tình trạng như hiện nay"
Đại diện chính quyền thôn, ông Nguyễn Văn Đợi, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phong Lâm, xác nhận:
“Người dân Phong Lâm gần khu vực nhà máy xử lý rác thải của Công ty An Sinh đã nhiều lần kiến nghị việc đốt rác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và đặc biệt thường xuyên hít thở mùi hôi thối. Trước đây, việc xả thải của Công ty An Sinh đã làm ảnh hưởng đến diện tích ruộng của người dân gần khu vực nhà máy, Công ty đã thỏa thuận, dàn hòa việc đền bù thiệt hại.
Diện tích ruộng của người dân thôn Phong Lâm ở xung quanh nhà máy xử lý rác thải đã cho ông Quàng quê ở huyện Cẩm Giàng thuê lại toàn bộ để canh tác. Công ty An Sinh đã nhiều lần muốn được nhượng lại một số diện tích ruộng gần nhà máy, nơi gần nguồn xả thải nhưng ông Quàng không sang nhượng. Hàng năm, giữa Công ty An Sinh và ông Quàng đã có sự thỏa thuận về đền bù thiệt hại diện tích lúa, do Công ty xả thải làm ảnh hưởng lên không thấy có ý kiến gì”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Du, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Diệu, cho biết: “Việc nhà máy xử lý rác thải làm ảnh hưởng đời sống người dân thôn Phong Lâm, trước đây xã nhận được nhiều ý kiến phản ánh. Về việc công ty An Sinh có sự thỏa thuận đền bù thiệt hại sản xuất nông nghiệp hàng năm do xả thải và có ý định thuê lại diện tích đất canh tác gần nhà máy hay không hiện tại xã không nắm được do thôn Phong Lâm không báo cáo.
Nếu đúng như vậy thì đây là việc làm “ngầm” bắt tay nhau làm ô nhiễm môi trường, cần phải ngăn chặn. UBND xã sẽ nhanh chóng thành lập đoàn xác minh, nếu đúng như phản ánh sẽ có biện pháp xử lý nghiêm và báo cáo cấp trên, ngành tài nguyên và môi trường, đề nghị thu hồi diện tích ruộng của người dân Phong Lâm đã cho ông Quàng thuê.
Trước phản ánh của người dân xã Hoàng Diệu, Hồng Hưng đề nghị chính quyền địa phương, ngành tài nguyên và môi trường Hải Dương kiểm tra xử lý. Không thể để, nhà máy hoạt động về môi trường lại gây ô nhiễm, tự ý xả thải ra môi trường và có dấu hiệu thỏa thuận “ngầm” đền bù thiệt hại, để hủy hoại môi trường.
Tuấn Minh