Tạo sức bật thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025

Năm 2024, tổng vốn đầu tư công của Hải Dương là 8.389,6 tỷ đồng, cao hơn 1.457,9 tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và tăng gần 650 tỷ đồng so với năm 2023. Nguồn vốn cấp tỉnh quản lý đầu tư cho 71 dự án, công trình giao thông, y tế, giáo dục… nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển. Bên cạnh đó, cấp huyện, cấp xã cũng triển khai nhiều chương trình, dự án phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh.

Ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng những dự án đầu tư công trên địa bàn TP Chí Linh
Ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng những dự án đầu tư công trên địa bàn TP Chí Linh.

Ngay từ đầu năm 2024, các cấp, ngành của Hải Dương đã chủ động thực hiện nhiệm vụ đầu tư công. Các dự án, công trình được phân bổ vốn chi tiết kịp thời. Mặc dù vậy, những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, quy hoạch, nguồn vật liệu… đã khiến không ít dự án chậm giải ngân. Đến ngày 20/9, toàn tỉnh mới giải ngân được 2.420,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 28,8% so với tổng vốn thanh toán và bằng 34,9% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Hiện vẫn còn 15 dự án cấp tỉnh quản lý chưa có số liệu giải ngân.

Những ngày đầu tháng 9 này, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã tàn phá, gây hậu quả nặng nề trên địa bàn tỉnh và ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ thi công các dự án, công trình. Nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công đã nặng nề lại càng trở nên áp lực.

Các công trình đầu tư xây dựng nhanh, giải ngân vốn kịp thời và đưa vào sử dụng hiệu quả cũng là giải pháp để tỉnh sớm phục hồi và vươn lên sau bão lũ. Trong 2 ngày 23 và 26/9, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu đã kiểm tra tình hình triển khai 20 dự án đầu tư công. Sau khi nghe chủ đầu tư, đơn vị thi công báo cáo về những khó khăn, vướng mắc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương tháo gỡ, không để sự chậm trễ ở một khâu hay một đơn vị nào làm ảnh hưởng tới tiến độ chung. Những phần việc nào có thể thực hiện cùng lúc, đồng thời thì linh hoạt triển khai nhằm rút ngắn thời gian thi công. Đồng chí Lê Ngọc Châu cho rằng nhiệm vụ đầu tư công áp lực cũng là dịp để thử thách năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu thi công.

Thời gian thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 không còn nhiều nhưng khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải nỗ lực vì mục tiêu phát triển chung, nhất là trong giai đoạn có những thay đổi quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng. Sự thay đổi này có thể dẫn đến những xáo trộn trong việc triển khai, xây dựng phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng hoặc tạo ra tâm lý lo ngại, sợ sai, đơn vị này nghe ngóng đơn vị kia dẫn đến chậm trễ, mất thời gian. Song với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu chính quyền tỉnh, nếu các cấp, các ngành không ngại khó, dám đương đầu sẽ nỗ lực, tạo bứt phá về giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2024.

Kết quả giải ngân năm 2024 khả quan sẽ tạo sức bật lớn cho Hải Dương thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025 và hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025. Đây là căn cứ, nền tảng để tỉnh tính toán, định hướng kế hoạch đầu tư công 2026-2030 phù hợp, hiệu quả.

Tìm giải pháp rút ngắn thời gian triển khai các dự án trọng điểm

Sau khi nghe các cơ quan, đơn vị báo cáo tiến độ thực hiện, tình hình giải ngân vốn đầu tư công của từng dự án, ông Lê Ngọc Châu yêu cầu các cấp, ngành phải quyết liệt, khẩn trương tìm giải pháp để rút ngắn thời gian triển khai. Căn cứ vào tình hình thực tế, đơn vị thi công cân nhắc việc triển khai đồng thời nhiều hạng mục nhằm đáp ứng yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công.

Cầu Hợp Thanh thuộc dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 390 (huyện Thanh Hà) đang khẩn trương thi công
Cầu Hợp Thanh thuộc dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 390 (huyện Thanh Hà) đang khẩn trương thi công.

Trước đó, ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã có buổi đi kiểm tra tình hình triển khai một số dự án đầu tư công trên địa bàn các huyện Thanh Hà, Kim Thành và TP. Chí Linh.

Cụ thể, tại huyện Thanh Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu kiểm tra tiến độ triển khai thực tế các dự án gồm nút giao với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 390 đoạn từ cầu Hợp Thanh đến cầu Quang Thanh; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 396 kéo dài.

Tại huyện Kim Thành là các dự án đường trục Đông - Tây; nút giao lập thể với Quốc lộ 5 tại xã Kim Xuyên.

Tại thành phố Chí Linh, đó là 5 dự án giao thông gồm đường dẫn cầu Đồng Việt nối Quốc lộ 38; đường vào khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (đoạn từ Quốc lộ 37 vào chùa Côn Sơn); đường vào khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (1/2 tuyến bên trái từ ngã ba An Lĩnh đến ngã ba Đầu Rồng); cầu Tân An và đường dẫn kết nối Quốc lộ 18; tuyến đường và cầu Vạn kết nối Quốc lộ 37 thành phố Chí Linh với đường dẫn cầu Triều thị xã Kinh Môn.

Cần rõ ràng trong phân cấp quy trách nhiệm cụ thể theo quy định

Đối với những dự án chậm tiến độ, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu thi công thống nhất bàn bạc, lập tiến độ thi công theo mốc thời gian, xây dựng phương án cụ thể về nhân công, vật liệu, đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công.

Đối với những dự án còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, yêu cầu các địa phương ​phối hợp chặt chẽ với sở, ban, ngành liên quan tập trung tháo gỡ, giải quyết dứt điểm những vướng mắc theo quy định của pháp luật​.

Trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương cần vận động thuyết phục, tuyên truyền để người dân đồng thuận chấp hành theo đúng các quy định của pháp luật. Khi đã thực hiện đầy đủ các bước theo quy định nhưng người dân không chấp hành thì xem xét phương án cưỡng chế để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.​

Dự án đường trục Đông - Tây huyện Kim Thành giai đoạn 1 là một trong những công trình, dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công đã hoàn thành thông tuyến từ tháng 7/2024.
Dự án đường trục Đông - Tây huyện Kim Thành giai đoạn 1 là một trong những công trình, dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công đã hoàn thành thông tuyến từ tháng 7/2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng lưu ý các địa phương và các sở, ngành trong quá trình triển khai các dự án cần rõ ràng trong phân cấp quy trách nhiệm cụ thể theo quy định.

Đối với những dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, các đơn vị thi công phải tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ.

Đối với những dự án chuẩn bị khởi công, các địa phương cần chủ động phối hợp với các sở, ngành giải quyết vướng mắc, khi được bàn giao mặt bằng cần huy động tối đa nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm có khối lượng công trình đáp ứng yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công. Chủ đầu tư dự án tăng cường, bố trí thêm chuyên viên có năng lực, trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai dự án, kịp thời báo cáo các vấn đề phát sinh, đề xuất phương án xử lý nhằm bảo đảm dự án triển khai theo đúng tiến độ, kế hoạch.

Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 29/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu nêu rõ:

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đấu thầu tại các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp còn tồn tại một số bất cập như: thời gian đấu thầu kéo dài, hiệu quả đấu thầu chưa đạt được như kỳ vọng; các bên tham gia hoạt động đấu thầu (người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn đấu thầu...) chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định; năng lực cán bộ còn hạn chế; còn để xảy ra sai sót, vi phạm trong hoạt động đấu thầu; chưa bảo đảm việc công khai, minh bạch thông tin về đấu thầu theo quy định.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý kiến nghị, xử lý vi phạm trong đấu thầu; thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động đấu thầu, khi phát hiện có dấu hiệu không đảm bảo mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch thì phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Trong đó, chú trọng kiểm tra đối với những gói thầu có ít nhà thầu tham dự, giá trị tiết kiệm thấp; một nhà thầu trúng nhiều gói thầu tại một địa phương, một chủ đầu tư trong thời gian dài nhưng có hiệu quả kinh tế thấp.

Trường hợp cần thiết hoặc phát hiện vi phạm nghiêm trọng cần chủ động đề xuất thanh, kiểm tra đột xuất hoặc chuyển cơ quan điều tra; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, chấn chỉnh kịp thời, triệt để những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu thuộc phạm vi phụ trách…

Bùi Quyền