Hai năm Nga phá trận Syria và bài học cho Việt Nam - Hình 1

Phi công Nga tham chiến tại Syria

Ngày 30/9/2017 đánh dấu thời điểm vừa tròn hai năm Tổng thống Nga V.Putin phát động chiến dịch quân sự chống khủng bố ở Syria. Kết luận khái quát chủ yếu và quan trọng nhất về chiến dịch này là: ngày nay Liên bang Nga vẫn là quốc gia đóng vai trò then chốt và có ý nghĩa quyết định trong cuộc đấu tranh nhằm loại trừ hiểm họa chủ nghĩa khủng bố tương tự như vai trò của Liên Xô trong thế kỷ XX đi đầu trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới lần thứ II. 

Chiến dịch chống khủng bố của Nga ở Syria nhìn từ góc độ pháp lý quốc tế

Trước hết, cần phải nhận thấy rằng hiện có ba liên minh quốc tế tham gia cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.

Một là, liên minh chống khủng bố do Mỹ chỉ huy tập hợp trong đó gần 60 quốc gia, được Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố thành lập vào ngày 10/9/2014, nghĩa là trước khi có Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) về chống khủng bố ở Syria được thông qua vào ngày 25/9/2014. Theo Hiến chương LHQ, để tiến hành chống khủng bố trên lãnh thổ bất kỳ quốc gia nào cần phải được phép của chính phủ quốc gia đó. Như vậy, quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama thành lập liên minh chống khủng bố trên lãnh thổ Syria vừa là hành động “tiền trảm hậu tấu”, nghĩa là trước khi có nghị quyết của HĐBA LHQ, vừa bị coi là hành động xâm lược vì không nhận được yêu cầu chính thức của Chính quyền Damascus.

Hai là, liên minh chống khủng bố do Arabia Saudi thành lập gồm 34 quốc gia Hồi giáo. Liên minh này cũng không nhận được yêu cầu của Chính quyền Damascus tiến hành chống khủng bố trên lãnh thổ Syria. Do đó, một khi họ hành động trên lãnh thổ Syria cũng bị coi là xâm lược.

Ba là, liên minh chống khủng bố do Nga dẫn đầu được thành lập vào ngày 30/9/2015 bao gồm Iraq, Syria, Iran và lực lượng vũ trang Hezbolla. Như vậy, liên minh chống khủng bố do Nga dẫn đầu được thành lập sau khi đã có Nghị quyết của HĐBA LHQ về chống khủng bố, vừa hành động theo Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Liên Xô và Cộng hòa Arab Syria ký kết năm 1980 mà Nga được kế thừa, vừa nhận được yêu cầu chính thức của Chính phủ Syria.

Như vậy, chỉ có liên minh chống khủng bố do Nga dẫn đầu hành động phù hợp với luật pháp quốc tế và hội tụ đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Những kết quả quan trọng nhất của chiến dịch chống khủng bố do Nga thực thi ở Syria

Có một nguyên lý rất quan trọng trong nghệ thuật quân sự là chiến tranh là sự kế tục chính trị bằng phương tiện bạo lực vũ trang Do đó, trước khi tiến hành bất kỳ một chiến dịch quân sự nào cũng phải xác định được mục đích chính trị. Nga đã tuân thủ nguyên lý này.

Mục tiêu của Nga đề ra trong chiến dịch chống khủng bố ở Syria được xác định minh bạch và nhất quán. Đó là, nhằm tiêu diệt khủng bố,  giúp đỡ và hỗ trợ chính phủ và nhân dân Syria trong cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và bảo vệ chính thể được người dân bầu lên một cách dân chủ trước sự tấn công của các tổ chức khủng bố.

 Hai năm Nga phá trận Syria và bài học cho Việt Nam - Hình 2

Nga đã triển khai hệ thống S-400 tại chiến trường Syria

 Hai năm Nga phá trận Syria và bài học cho Việt Nam - Hình 3

Đặc nhiệm Nga nổi tiếng thiện chiến và dũng cảm trực tiếp chiến đấu tại Palmyra, Syria

Mục tiêu này của Nga hoàn toàn khác với mục tiêu hành động chống khủng bố của liên minh do Mỹ dẫn đầu. Đó là, họ vừa tuyên bố “chống khủng bố”, lại vừa muốn tiêu diệt Tổng thống Syria Bashar al-Assad là người đã kiên cường lãnh đạo quân và dân Syria tiến hành cuộc đấu tranh chống khủng bố trong suốt 6 năm qua. Vì thế mà có nhiều ý kiến cho rằng, liên minh do Mỹ dẫn đầu núp dưới chiêu bài “chống khủng bố” nhưng trên thực tế là để loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Chính vì thế sau gần một năm liên minh do Mỹ dẫn “chống khủng bố” ở Syria, thì tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” tự xựng (IS) lại mạnh thêm lên và giành quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria, uy hiếp sự tồn tại của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Do hành động hợp pháp, chính nghĩa, lại hướng tới mục đích chính trị rõ ràng và nhất quán, nên chiến dịch chống khủng bố của Nga trên lãnh thổ Syria đã giành được nhiều kết quả rất quan trọng, tạo ra cục diện hoàn toàn mới ở quốc gia này.

Trước hết phải kể đến một thắng lợi chính trị có ý nghĩa đột phá. Đó là, chỉ sau gần ba tháng từ ngày 30/9/2015, chiến dịch quân sự của Nga chống khủng bố đã tạo cơ sở và tiền đề có ý nghĩa quyết định để HĐBA LHQ thông qua nghị quyết về tiến trình chính trị ở Syria vào ngày 18/12/2015. Đặc biệt, trong nghị quyết này không đề cập tới chuyện Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi, nghĩa là bước đầu làm phá sản toan tính của Mỹ và đồng minh của họ muốn loại bỏ nhà lãnh đạo cao nhất của Syria được người dân bầu lên một cách dân chủ. Đến nay, sau hai năm, Mỹ và đồng minh của họ phải chấp nhận vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad trong tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Syria.

Ngoài thắng lợi chính trị rất quan trọng đó, Nga không chỉ trang bị vũ khí hiện đại mà còn hỗ trợ về chiến lược và chiến thuật quân sự cho quân đội Syria để họ chuyển từ thế phòng thủ bị động sang thế chủ động tấn công, từ đó giải phóng nhiều địa bàn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng như Aleppo, Palmyra, Homes…tạo tiền đề để hoàn toàn đánh bại các lực lượng khủng bố trên lãnh thổ Syria. Hiện nay, chiến dịch chống khủng bố do Nga thực thi đã giúp chính phủ và quân đội Syria giải phóng hơn 90% diện tích lãnh thổ, giữ vững chủ quyền lãnh thổ. Chính phủ Syria tuyên bố, nội chiến đã kết thúc. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có đề án tham gia tái thiết Syria sau chiến tranh.

Ngoài các hoạt động chống khủng bố, Nga còn thực thi có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nhân đạo như cung cấp hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và dịch vụ y tế cho người dân Syria. Đặc biệt, các quân nhân Nga đã thực thi các hoạt động rà phá bom mìn do các lực lượng khủng bố cài cắm lại trên lãnh thổ Syria.

Tạo ra cục diện mới trong khu vực và gia tăng ảnh hưởng của Nga trên toàn cầu

Cuộc khủng hoảng Syria là một trong những tâm điểm cạnh tranh địa chính trị gay gắt nhất trong thế kỳ XXI. Do đó, thắng lợi của Nga trong chiến dịch quân sự vừa tạo ra cục diện mới ở Trung Đông, vừa gia tăng ảnh hưởng của Nga không chỉ trong cuộc chiến chống khủng bố mà còn trong việc hóa giải các điểm nóng khác trên thế giới như trong việc ngăn chặn quá trình leo thang cuộc khủng hoảng hạt nhât trên bán đảo Triều Tiên.   

Đặc biệt, Nga đã đóng vai trò then chốt trong việc hình thành liên minh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ để tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về Syria tại thủ đô Astana của Kazakhstan. Kết quả quan trọng nhất và có tính lịch sử đột phá của Hội nghị này là bảo trợ lệnh ngừng bắn tại Syria, theo đó các bên tham chiến nhất trí thiết lập các vùng giảm căng thẳng và phi quân sự tại Syria, trong đó cả quân chính phủ và phe đối lập ngừng các hành động thù địch, bao gồm cả hoạt động không kích.

Do hành động hợp pháp, tin cậy và chính nghĩa, Nga đã tập hợp được ngày càng nhiều nước ủng hộ và muốn kết thành đồng minh, trong đó có cả Thổ Nhĩ Kỳ-thành viên Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương và là quốc gia mà tổng thống trước đó có quan điểm đòi loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Đáng chú ý là cả Iraq, Libya và Afghanistan đều đề nghị Nga giúp đỡ họ chống khủng bố bởi Nga là quốc gia đi đầu trong cuộc chiến nhằm loại trừ tận gốc hiểm họa này.

Vũ khí trang bị của Nga thể hiện độ tin cậy cao trong chiến dịch chống khủng bố ở Syria

Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Đó là nguyên lý nhận thức bất biến. Đối với hoạt động của các phương tiên quân sự, nguyên lý này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bởi đa số vũ khí là loại hàng hóa đặc biệt chỉ sử dụng một lần và có giá trị sống còn, quyết định sự sinh tử của người lính.

Chiến dịch quân sự chống khủng bố ở Syria là cơ hội có một không hai để Nga thử nghiệm trên thực địa chiến tranh các loại vũ khí hiện có trong trang bị. Hoạt động quân sự của Nga chứng tỏ, vũ khí trang bị của Nga có độ tin cậy rất cao. Đó là các loại vũ khí trang bị từ cấp độ chiến thuật như súng bộ binh, pháo phòng không, máy bay ném bom (Su-24, Su-25, Su-34, máy bay tiêm kích Su-30), trực thăng vũ trang (Mi-24 và Mi-8), tới cấp độ chiến lược như tàu ngầm sử dụng tên lửa hành trình “Kalibr”, máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3, Tu-160, Tu-95MC.

Chính vì thế, nhiều nước ký hợp đồng mua vũ khí của Nga, trong đó có cả Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, đã quyết định mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400. Trên cơ sở đó, Nga sẽ nghiên cứu phát triển các loại vũ khí trang bị mới nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của chiến tranh trong điều kiện mới.

Với sự giúp đỡ của Nga, ở Syria đã hình thành hệ thống phòng không liên hợp bao gồm cả pháo và tên lửa, trong đó có các tổ hợp tên lửa S-400 có một không hai trên thế giới, có khả năng bảo vệ tất cả các mục tiêu dân sự và quân sự có giá trị và ý nghĩa chiến lược. Để kiểm soát lãnh thổ Syria, Nga triển khai 10 vệ tinh trinh sát hình ảnh và vô tuyến điện tử từ vũ trụ.

Thêm bài học cho Việt Nam

Độ tin cậy và hiệu quả cao của các loại vũ khí trang bị của Nga ở Syria thêm một lần nữa khẳng định một bài học lịch sử đối với chiến lược trang bị của Việt Nam. Trước đây, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã từng được trang bị vũ khí tin cậy của Liên Xô, góp phần cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến tranh nhân dân đánh bại ưu thế quân sự vượt trội của Mỹ trong sự nghiệp giải phóng trước đây.

Hiện nay, đa số vũ khí trang bị của Việt Nam vẫn được nhập khẩu từ Nga. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục hợp tác với Nga để nghiên cứu phát triển và chế tạo, sản xuất các loại vũ khí mới nhằm đáp ứng yêu cầu chiến lược lâu dài là phòng thủ và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Định hướng này phù hợp với tinh thần và nội dung của mối quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga./. 

An Công - viettimes