Được sự đồng ý của Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình,Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Cầu sông Hóa, nối huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng và huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bìnhđã tổ chức vào dịp tháng 05/2019.
Sau 08 tháng thi công khẩn trương và được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng và UBND tỉnh Thái Bình, công trình cầu sông Hóa hoàn thành góp phần nâng tầm kết nối giữa thành phố Hải Phòng với tỉnh Thái Bình và vùng đồng bằng Bắc Bộ, như tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Mục tiêu đầu tư của dự án là xây dựng cầu vĩnh cửu bắc qua Sông Hóa, nối huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng và huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình để thay thế cầu phao hiện nay đã xuống cấp, hư hỏng nhằm nâng cao năng lực phục vụ, bảo đảm an toàn giao thông, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối giữa thành thị với nông thôn khu vực phía Nam Thành phố Hải Phòng; kết nối với khu vực ven biển tỉnh Thái Bình, tạo thành hệ thống kết nối giao thông liên tỉnh; góp phần giảm lưu lượng giao thông qua Quốc lộ 10; đảm bảo mục tiêu xây dựng nông thôn mới; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện điều kiện sống của nhân dân, bảo đảm an ninh quốc phòng của hai địa phương.
Công trình cầu sông Hóa hoàn thành dự kiến sẽ nâng cao năng lực phục vụ, đảm bảo khả năng khai thác trên 3.000 xe quy đổi/ngày đêm, bảo đảm an toàn giao thông, rút ngắn cự ly vận chuyển giữa thành phố Hải Phòng với khu vực ven biển tỉnh Thái Bình trên 30km so với trước đây, góp phần giảm áp lực giao thông qua quốc lộ 10.
Việc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trên tuyến ĐT.354, cầu Hàn, cầu Đăng và hiện nay là cầu sông Hóa cùng với những công trình, dự án, như: Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10, Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường nối từ cầu Lạng Am đến cầu Nhân Mục, Dự án đường dẫn vào khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ và mở ra những cơ hội mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, cũng như cải thiện đời sống vật chất, tinh thần nhân dân,từng bước hoàn thiện mạng lưới kết nối giao thông liên tỉnh giữa các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng, đem lại hiệu quả rất lớn về kinh tế - xã hội,khởi đầu cho sự hợp tác và tăng cường liên kết vùng theo yêu cầu phát triển hiện nay.
QN