THCL - Giáp Tết cổ truyền, nhu cầu tiêu thụ các loại rượu ngoại của người tiêu dùng khá cao, đang vô tình tạo cơ hội thuận lợi cho một số cửa hàng kinh doanh rượu ngoại giả ở Hải Phòng ngang nhiên tung hoành, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng.

 Rượu ngoại thật, giả trên thị trường

Rượu ngoại được nhiều người đánh giá với mẫu mã đẹp, đẳng cấp, chất lượng và không ít người tiêu dùng có tâm lý "sính" hàng ngoại và "chê" hàng nội khiến các chủ cửa hàng, đại lý nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng nên thị trường rượu ngoại tha hồ "làm mưa làm gió", lấn át các loại rượu có nguồn gốc, xuất xứ trong nước.

Hải Phòng: Nỗi lo rượu ngoại thật, giả lẫn lộn - Hình 1

Rượu ngoại thật, giả lẫn lộn bày bán tràn lan

Dạo qua các con phố Lạch Tray, Tô Hiệu, Lý Thường Kiệt, Lãn Ông..., thật không khó để tìm một cửa hàng chuyên kinh doanh rượu ngoại, các loại rượu như Chivas, Brandy, Remy Martin, Otard XO, Macallan Fine Oak, Dalmore, các loại rượu vang được nhập khẩu từ Mỹ, Áo, Chile, Pháp, Singapore, Bungary được bày bán tràn lan, công khai.

Theo quan sát của phóng viên, các chai rượu đều được dán tem hàng xuất khẩu Việt Nam, tuy nhiên có những tem rất mới, nhưng cũng có những tem đã cũ kỷ, nhàu nát, có những chai rượu ngoại có dán phụ đề Tiếng Việt nhưng chữ nhỏ li ti, nhập nhèm, còn những chai in toàn chữ nước ngoài thì không thấy ghi rõ nơi sản xuất, thành phần, nguyên liệu, nồng độ cồn cụ thể.

Trong vai một khách hàng, chúng tôi vào một cửa hàng rượu trên đường Lãn Ông hỏi mua loại rượu vang Pháp. Bà chủ bảo: "Nhà tôi toàn nhập rượu vang Áo, giá chỉ từ 150.000 – 180.000/lít".

Khi chúng tôi hỏi "rượu vang Pháp khá nổi tiếng sao chị không nhập về?", bà chủ đáp: Nhập rượu vang Pháp làm gì, họ toàn nhập dạng nước rồi mang về Việt Nam pha chế lại, sau đó đóng chai rồi ghi là hàng nhập khẩu Việt Nam"...

nói xong, chị lấy chai rượu vang Pháp giả đưa chúng tôi xem, bên ngoài vỏ chai là những dòng chữ nước ngoài mờ nhạt, có ghi nồng độ cồn 14, nhấp môi uống thử đúng là nhạt như nước lã.

Mặc dù bà chủ chia sẻ với chúng tôi như vậy như để chứng minh cửa hàng của mình kinh doanh rượu ngoại thật; tuy nhiên khi chúng tôi hỏi "chị có loại rượu vang ngoại nào giá rẻ hơn nữa không?" , chị này lại đưa ra một loại rượu vang ngọt bảo xuất xứ từ Áo, giá chỉ 120.000/lít, nhìn bên ngoài vỏ chai in vài dòng chữ nước ngoài sơ sài.

Thông thường, rượu nhập khẩu chưa tính tiền sản phẩm, chỉ riêng khâu vận chuyển, tiền thuế đã chiếm một số chi phí không nhỏ, nhưng với giá rẻ như vậy thì rõ ràng, chúng ta phải đặt ra câu hỏi.

Theo chia sẻ của một số người sành rượu, hầu như rượu ngoại thật không có giá rẻ, ở nước ngoài, một chai rượu vang Pháp có giá ít nhất 150 – 200 USD.

Ghé vào một đại lý rượu gần chợ Đổ, chúng tôi hỏi mua loại rượu vang, bà chủ tư vấn 2 loại rượu vang được người tiêu dùng mua nhiều nhất: Rượu vang chile giá từ 130.000 -150.000 đồng/lít; rượu vang nổ xuất xứ từ Bungary giá 200.000 đồng/lít.

Loại rượu vang nổ, chúng tôi để ý, có chai được dán phụ đề tiếng Việt, ghi rõ thành phần, nguyên liệu, nồng độ cồn, nhưng có chai lại không có. Hỏi về vấn đề này, bà chủ lúng túng: "Em yên tâm, loại rượu này rất dễ uống, có thể do người ta vội quá nên không kịp dán đấy thôi. Rượu nhà chị, hàng nhập khẩu chính hãng, có đủ giấy tờ, hóa đơn mua hàng" (?!).

Mặc dù có đủ giấy tờ, hóa đơn mua hàng, nhưng thực tế vẫn chưa có cơ quan chức năng nào kiểm định về chất lượng, độ an toàn trên từng sản phẩm họ đang bán, cuối cùng người gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất vẫn là khách hàng.

Hậu quả khôn lường

Bên cạnh mục đích lợi nhuận, lòng tham của một số người bán hàng, sự quản lý lỏng lẽo, chồng chéo của các cơ quan chức năng, đội quản lý thị trường về vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng chính là nguyên nhân tạo cơ hội thuận lợi cho các đối tượng này thỏa sức hoành hành, không ngừng tuồn ra thị trường những lô rượu ngoại giả không đảm bảo an toàn, chất lượng, có nguy cơ gây độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia về sức khỏe, các loại rượu giả thường được làm bằng các loại cồn công nghiệp có nguồn gốc từ Trung Quốc, có pha phẩm màu công nghiệp hoặc có thêm một số hóa chất để tăng nồng độ rượu, gây độc hại rất lớn, người sử dụng rượu giả có thể  sa sút trí tuệ, hoang tưởng, viêm gan, xơ gan, bụng to, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tử vong.

Thông thường, các loại rượu có nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới được sản xuất công nghiệp và đóng chai tự động, do đó màu sắc và lượng rượu bên trong các chai rất đều nhau, có màu tươi, trong và sáng màu. Trong khi đó, rượu giả được chế biến bằng Vodka và phẩm màu thì sẽ tối màu hơn, rượu giả khi sử dụng có nồng độ cồn cao, không có vị thơm mà chua hoặc đắng, uống xong gây đau đầu. Bên cạnh đó, rượu xịn nhãn hiệu thường in chữ nổi, màu ánh kim trong khi nhãn giả không thể làm được.

Để nhận biết rượu giả, khách hàng cần kiểm tra nhãn rượu, tem nhập khẩu, tem chống giả, mã chai bên dưới và trên phần nắp phải khớp nhau.

Để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, các cơ quan chức năng, đội quản lý thị trường cần phải vào cuộc, kiểm tra, quản lý chặt chẽ hơn nhằm triệt tiêu các cửa hàng, đại lý kinh doanh rượu giả trên thị trường để tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái kém chất lượng tràn lan, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt trong dịp Tết Đinh Dậu sắp đến.

Thu Hương