Cục Quản lý thị trường Hải Phòng khẳng định việc Thương hiệu và công luận phản ánh là đúng
Về việc trao đổi thông tin với Thương hiệu và Công luận, ngày 11/01/2022, Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Hải Phòng nhận được Công văn số 77/VP-BC của UBND thành phố về việc cung cấp thông tin tuyên truyền trên Thương hiệu và Công luận. Cục QLTT thành phố Hải Phòng đã có văn bản trao đổi với Tạp Chí Thương hiệu và Công luận.
Theo đó, về các bài viết phản ánh trên thị trường hàng hóa ở Hải Phòng có một số cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh các mặt hàng như: quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu là hàng giả, hàng hóa kém chất lượng. Hàng năm, cứ vào dịp những ngày cuối năm và giáp Tết Nguyên đán, một số đối tượng lợi dụng diễn biến tình hình hàng hóa, giá cả không ổn định, sức mua của người tiêu dùng tăng nhiều so với những tháng trong năm, kiến thức và nhận thức tiêu dùng của một số người dân còn hạn chế... nên các đối tượng đã có hành vi kinh doanh, bày bán hàng hóa là hàng nhập lậu, hàng giả về nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng xen kẽ, trà trộn với hàng hóa có nguồn gốc, có đầy đủ tem nhãn và đảm bảo chất lượng. Các hành vi trên đã gây ảnh hưởng đến kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất trong nước, quyền lợi sức khỏe người tiêu dùng. Việc Tạp chí Thương hiệu và công luận phản ánh là đúng với tình hình và tồn tại hiện nay trên thị trường. Tuy nhiên, các hiện tượng và hành vi vi phạm trên cũng chỉ là số ít, rải rác trên một số địa bàn quận, huyện, không có hiện tượng “tràn lan” và không có những “tụ điểm” lớn trên địa bàn Hải Phòng.
Ngay sau khi có thông tin phản ánh trên tạp chí, lãnh đạo Cục QLTT Hải Phòng đã quán triệt và chỉ đạo các Đội QLTT bám sát vào các kế hoạch cao điểm tăng cường công tác kiểm tra giám sát thị trường những tháng cuối năm và giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 mà Ban Chỉ đạo 389 Hải Phòng và Cục QLTT Hải Phòng đã ban hành. Đặc biệt, chú trọng vào các mặt hàng thiết yếu có sức tiêu thụ lớn, nhiều trong dịp trước - trong - sau Tết Nguyên đán. Những hiện tượng và hành vi vi phạm như Tạp chí Thương hiệu và Công luận nêu cũng nằm trong kế hoạch và sự chỉ đạo của Cục QLTT đối với các Đội QLTT ngay từ những tháng cao điểm và dịp cuối năm 2022. Tuy nhiên, khi nhận được thông tin do Tạp chí phản ánh, Cục QLTT Hải Phòng tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT rà soát tình hình, tiến hành kiểm tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm.
Kết quả thẩm tra xác minh theo thông tin của Tạp chí
Trên địa bàn quận Kiến An, Đội QLTT số 01 đã tiến hành kiểm tra 05 địa điểm kinh doanh, cụ thể: Địa điểm kinh doanh số 179 Lê Duẩn, quận Kiến An (kinh doanh mặt hàng rượu). Kết quả không phát hiện sai phạm. Địa điểm kinh doanh số 154 Trần Thành Ngọ, quận Kiến An (kinh doanh túi xách). Kết quả phát hiện dấu hiệu vi phạm về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Địa điểm kinh doanh số 696 Trường Chinh, quận Kiến An (kinh doanh giày dép). Kết quả bỏ kinh doanh. Địa điểm kinh doanh số 128 Trần Thành Ngọ, quận Kiến An (kinh doanh quần áo). Kết quả phát hiện dấu hiệu vi phạm về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Địa điểm kinh doanh số 142 Trần Thành Ngọ, quận Kiến An (kinh doanh quần áo). Kết quả phát hiện dấu hiệu vi phạm về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, Đội chưa tiến hành xử phạt.
Trên địa bàn quận Hồng Bàng, Đội QLTT số 05 đã tiến hành kiểm tra các địa điểm kinh doanh: Cửa hàng kinh doanh rượu số 9 Lãn Ông; số 17A Lãn Ông; số 29 Lãn Ông; số 28 Lãn Ông; số 30 Quang Trung. Kết quả các cơ sở kinh doanh chấp hành việc ghi nhãn hàng hóa, niêm yết giá đầy đủ chưa phát hiện vi phạm trong hoạt động kinh doanh. Đối với chợ Đổ đội QLTT số 5 đã tổ chức ký cam kết với Ban quản lý chợ quận Hồng Bàng, đại diện là ông Trần Thanh Xuân - Trưởng Ban quản lý chợ và đồng thời đã ký cam kết với 34 hộ kinh doanh trong chợ. Đội đã phân công công chức quản lý địa bàn thực hiện thẩm tra, xác minh hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh trong chợ Đổ. Kết quả, bên cạnh việc chấp hành tốt các qui định pháp luật thì thực tế việc kinh doanh tại chợ vẫn còn tồn tại một số vi phạm như: niêm yết giá không đầy đủ rõ ràng, nhãn mác bị rách nát, chữ mờ nhạt....
Đối với chi nhánh siêu thị Thủy Nguyên: Ngày 05/01/2022, Đội QLTT số 5 phối hợp Công an huyện Thủy Nguyên và Phòng kinh tế hạ tầng huyện Thủy Nguyên tiến hành kiểm tra. Kết quả, đội QLTT số 5 đã ban hành Quyết định xử phạt VPHC đối với hành vi: kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam (trị giá hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết là 18.437.000 đồng). Số tiền xử phạt là: 5.500.000 đồng. Đội QLTT số 5 đã tiến hành kiểm tra đối với Quầy kinh doanh quần áo thời trang trong siêu thị Lan Chi, do ông Phùng Tuấn Anh là chủ Hộ kinh doanh. Kết quả: Đội đã tạm giữ 36 đơn vị sản phẩm để xử lý theo quy định pháp luật, gồm: dép sục nhựa, quần áo các loại do nước ngoài sản xuất chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.
Đội QLTT số 06 đã thực hiện thẩm tra, xác minh đối với các cơ sở gồm: của hàng Tuần Cháy (thôn Ngọ Dương, xã An Hòa, huyện An Dương); Cửa hàng Xiao Mart (thôn Ngọ Dương, xã An Hòa, huyện An Dương). Kết quả: thời điểm thẩm tra, xác minh, các cơ sở trên không kinh doanh các mặt hàng như thông tin trên Tạp chí Thương hiệu và Công luận đã phản ánh. Trên địa bàn quận Lê Chân, do Đội QLTT số 6 có các công chức bị dương tính với Covid-19 nên phải cách ly theo quy định. Vì vậy, chưa tiến hành thẩm tra, xác minh.
Địa bàn Đội QLTT số 07 đã thực hiện thẩm tra, xác minh đối với các cơ sở, gồm: Các hộ kinh doanh trong Chợ Cát Bi; địa điểm kinh doanh 592 Đông Hải, Hải An, địa điểm 112 Trần Phú, Ngô Quyền, địa điểm 114 Lê Lợi, Ngô Quyền, địa điểm 116 Lê Lợi, Ngô Quyền, địa điểm 151 Lê Lợi, Ngô Quyền, địa điểm 149 Lê Lợi, Ngô Quyền, địa điểm số 37 Lạch Tray; địa điểm số 39 Lạch Tray; địa điểm số 142 Lạch Tray. Kết quả thẩm tra xác minh: địa điểm số 116 Lê Lợi, Ngô Quyền do bà Nguyễn Thị Oanh làm chủ. Năm 2021, Đội QLTT số 7 đã kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Phạt tiền 6 triệu đồng; buộc tiêu hủy số hàng hóa trị giá 4.940.000 đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh. Các địa điểm kinh doanh còn lại đã được Đội QLTT số 7 triển khai ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo Kế hoạch số 888/KH-TCQLTT của Tổng cục Quản lý thị trường. Tại thời điểm thẩm tra xác minh chưa phát hiện được hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Sẽ xem xét trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn quản lý
Với trách nhiệm của Cục trưởng Cục QLTT, ông Trần Thành Vin cho biết: Thời gian tới Cục QLTT sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với các Đội QLTT, quán triệt các Đội cần thường xuyên, liên tục nắm chắc diễn biến tình hình thị trường trên địa bàn quản lý, làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Xử lý kiên quyết, triệt để các hành vi vi phạm, góp phần cho sự phát triển lành mạnh ổn định thị trường nội địa, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà sản xuất và đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách pháp luật, thực hiện việc ký cam kết đối với các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh trên địa bàn: không kinh doanh, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả và hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ... Từng bước góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức tự giác chấp hành của các thành phần tham gia vào lĩnh vực thương mại và thị trường. Mặt khác, thường xuyên quán triệt và chỉ đạo các Đội QLTT luôn đề cao tinh thần trách nhiệm quản lý địa bàn, đặc biệt chú trọng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các hành vi vi phạm trên địa bàn quản lý. Nếu địa bàn nào đã xảy ra tình trạng hiện tượng trên, địa bàn có sự nổi cộm về hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng thì Đội trưởng và tập thể lãnh đạo Đội QLTT địa bàn đó phải chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và phải bị xem xét đến năng lực công tác và mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Quỳnh Nga