LTS: Hàng nhái, hàng giả, hàng không nguồn gốc, xuất xứ ở mặt hàng gia dụng nhất là giày, dép; túi sách; quần áo; mỹ phẩm... quả thật giờ rất nhiều. Nhưng, tôi vẫn tin, ở đất Cảng Hải Phòng không có. Bởi người dân nơi đây được mệnh danh là khách hàng thông thái; giới trẻ được gắn mác sành điệu. Song, thực tế lại hoàn toàn khác, PV Thương hiệu & Công luận mục sở thị thì thấy rằng, nó nhiều đến mức, có thể coi là "thủ phủ" của hàng nhái, hàng không nguồn gốc, xuất xứ. Lực lượng quản lý thị trường liệu có biết? Và, nếu biết thì sẽ như thế nào?
Bài 1: Mục sở thị "thủ phủ" hàng nhái, hàng không nguồn gốc xuất xứ ở đất Cảng Hải Phòng. Link bài: https://thuonghieucongluan.com.vn/hang-nhai-khong-co-nguon-goc-xuat-xu-xuat-hien-nhan-nhan-tai-thi-truong-hai-phong-a159221.html
Bài 2: Lợi nhuận thu từ bán đồ không rõ nguồn gốc, xuất xứ có phải là bất hợp pháp không? Link bài: https://thuonghieucongluan.com.vn/bai-2-nguon-thu-tu-ban-quan-ao-khong-ro-nguon-goc-xuat-xu-co-phai-la-bat-hop-phap-khong-a159302.html
Bài 3: Thị trường hóa mỹ phẩm Hải Phòng "vàng thau lẫn lộn". Link bài: https://thuonghieucongluan.com.vn/bai-3-thi-truong-hoa-my-pham-thuc-pham-chuc-nang-tai-hai-phong-vang-thau-lan-lon-a159407.htm
Bài 4: Thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán công khai. Link bài: https://thuonghieucongluan.com.vn/thuc-pham-chuc-nang-khong-ro-nguon-goc-xuat-xu-duoc-bay-ban-cong-khai-a159601.html
Bài 5: Rượu ngoại xách tay ở Hải Phòng "tung tóe" giá bán. https://thuonghieucongluan.com.vn/mot-goc-nhin-khac-ve-ruou-ngoai-tai-hai-phong-a159702.html
Bài 6: Có chuyện buông lỏng quản lý để hàng giả, hàng nhái "thống trị" thị trường Hải Phòng?
Chất liệu dùng sản xuất các loại sản phẩm này chủ yếu là da PU, da bò, da dê, da trâu, da cá sấu, da rắn, da đà điểu, vải simili, vải không dệt, vải cotton canvas, vải nylon,.... Để các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, hàng Việt Nam chất lượng cao không bị lu mờ bởi phân khúc hàng giả, hàng nhái giá rẻ thì cần có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ với hàng giả, hàng nhái, hàng không nguồn gốc xuất xứ.
"Hàng Quảng Châu, đơn vị nào nhập về thì không biết"
Ghé thăm cửa hàng số 142 Lạch Tray, quận Ngô Quyền, PV Thương hiệu & Công luận nhận được chia sẻ của chủ cửa hàng là "đã kinh doanh hàng chục năm nay". Tại đây có bày bán các loại va li, ba lô, túi xách, ví, thắt lưng,... cho cả nam và nữ, học sinh,….
Sản phẩm bày bán ở đây có rất nhiều nhãn mác khác nhau, tuy nhiên không phải sản phẩm nào chúng tôi cũng đọc, hiểu được thông tin vì ngoài một số va li lớn và cặp sách có tem nhãn do công ty của Việt Nam sản xuất thì các sản phẩm còn lại là tem chữ Trung Quốc.
Rất nhiều ví cầm tay nam, nữ, túi xách, thắt lưng dập logo Chanel, Louis Vuitton, Gucci, Prada, Dior, Hermès, Burberry, Dolce & Gabbana (D & G), Versace, Fendi, Yves Saint Laurent (YSL),... là các thương hiệu nổi tiếng của Ý, Pháp, Anh, Mỹ không nhãn phụ, không giá niêm yết. Các sản phẩm này chỉ có giá từ 120.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng.
Khi PV hỏi về nguồn gốc của sản phẩm thì chủ cửa hàng nói: "Đây là hàng Quảng Châu Trung Quốc, còn nhập qua đơn vị nhập khẩu nào và giấy tờ chứng minh xuất xứ thì chúng tôi không được chia sẻ".
"Phải có "áp" riêng mới truy xuất được"
Đến với địa chỉ số 39 Lạch Tray, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng với ý định tìm sản phẩm “hàng hiệu” như biển quảng cáo của cửa hàng, PV Thương hiệu & Công luận được người bán hàng giới thiệu tận tình, khá kỹ về nhiều sản phẩm túi xách “cao cấp”, với nhiều mức giá khác nhau từ hàng chính hãng bị lỗi, được giảm giá còn 500.000 đồng đến hàng mới về có giá 4 đến 5 triệu đồng.
Tên các nhãn hàng này vẫn không có gì xa lạ với giới mộ điệu như: Gucci, Chanel, YSL, Louis Vuitton,... và còn nhiều sản phẩm hết mốt sale đồng giá 150.000 đồng khi giá niêm yết cũ của cửa hàng là hơn 1 triệu đến 2,5 triệu đồng. Qua lời giới thiệu của người bán hàng thì đây là các sản phẩm xách tay, xuất xứ chủ yếu từ Quảng Châu, Trung Quốc. Chất liệu làm bằng da thật, có cái “víp” làm bằng da cá sấu, da rắn. Nhiều loại ví cầm tay tại cửa hàng này còn đính đá long lanh, đắt đỏ.
PV hỏi để truy xuất thông tin sản phẩm có phải là chính hãng không thì cô bán hàng chia sẻ thật là "phải có “áp” riêng của hãng mới check được mã sản phẩm. Nhưng làm thế nào để có "áp" riêng thì em cũng không biết". Cũng thông cảm cho những người bán hàng thuê, họ trả lời như thế cũng quá là chuyên nghiệp rồi. Vậy dựa vào thông tin gì để người mua xác định đây là hàng “hiệu” như quảng cáo của cửa hàng? Đó là điều mà chúng tôi băn khoăn khi các sản phẩm “hiệu” đang được bán với giá 4 đến 5 triệu đồng tại đây.
"Đây là hàng trốn thuế"
Tại của hàng liền kề địa chỉ số 39, là cửa hàng số 37 Lạch Tray Hải Phòng, gian hàng bày biện xinh xắn, đẹp mắt với 02 người bán hàng cao tuổi.
Ở đây chúng tôi được bà chủ chia sẻ: “Đây là hàng trốn thuế, không có hóa đơn hay giấy tờ gì, được nhập từ Quảng Châu về theo đường tiểu ngạch, nếu đóng thuế thì giá bán sẽ cao gấp đôi ví dụ từ 300.000 đồng sẽ thành 600.000 đồng. Các mặt hàng được con của tôi nhập về cho bán. Cửa hàng này cũng kinh doanh được khá lâu rồi". Các loại túi có tên nhãn hiệu vô cùng quen mắt như: Adidas, Chanel, Gucci,...giá niêm yết chỉ từ hơn 100.000 đồng đến gần 1 triệu đồng 1 sản phẩm.
Cửa hàng mang tên Yun He số 154 Trần Thành Ngọ, chuyên bán các loại túi xách, ba lô, ví cầm tay,...cũng xác nhận với PV là các sản phẩm ở đây được nhập từ Trung Quốc, giá bán phù hợp túi tiền đa số bộ phận người tiêu dùng, chỉ từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/ sản phẩm. Những cái tên như: Adidas, Nike, Chanel hay Gucci,...đã trở lên đại trà, phổ biến cho hầu hết các mặt hàng ở đây.
"Phát hiện ra hàng giả sẽ 1 đền 10"
Tại số 17A đường Lãn Ông, cửa hàng chuyên hàng xách tay với đủ các loại mặt hàng từ kính mắt, nước hoa, giày dép, quần áo, đồng hồ, sữa tắm...và túi xách, ví cầm tay. Tại đây, PV Thương hiệu & Công luận được nhân viên bán hàng thông tin: "Hàng nhái, hàng giả bây giờ nhiều lắm, hàng trôi nổi bán 200, 300 nghìn làm nhái nhiều. Mã vạch mã code sản phẩm người ta cũng làm nhái được hết. Check vẫn ra hình ảnh bình thường, hàng super fake có đầy đủ cả bill, thẻ hãng, hộp người ta làm giống thật".
Nhân viên cửa hàng còn nhiệt tình chia sẻ thêm: “Bên em kiểm tra hàng thật bằng cách dựa vào mùi da và chất liệu” và khi nhập hàng chủ cửa hàng sẽ check mã sản phẩm, nếu khách hàng phát hiện ra hàng giả thì sẽ “ 1 đền 10”. Nhân viên bán hàng nói vậy nhưng đặc điểm hàng hóa tại cửa hàng này là nhiều mặt hàng ở đây không nhãn phụ hay thấy tem nhãn gì của đơn vị kiểm duyệt chất lượng trên sản phẩm và không giá niêm yết.
Ngoài một số phụ kiện như bông tai, vòng tay, sữa tắm có giá dưới 1 triệu đồng ra thì hầu hết các sản phẩm có giá từ vài triệu đồng đến cả chục triệu đồng.
Ghi nhận của PV Thương hiệu & Công luận ở một số địa chỉ khảo sát thực tế thì hầu hết sản phẩm không nhãn mác ghi rõ về nguồn gốc, xuất xứ; không nhãn phụ ghi thông tin sản phẩm và tên đơn vị nhập khẩu, phân phối; có sản phẩm còn không tem, nhãn; nhiều cửa hàng còn công khai thừa nhận là hàng trốn thuế (chính là hàng nhập lậu vào Việt Nam, không qua đơn vị kiểm tra xác nhận về nơi sản xuất, đơn vị sản xuất, không kê khai giá trị hàng hóa và số lượng hàng, không hóa đơn, chứng từ) đang bày bán tràn lan, công khai trên nhiều tuyến phố lớn, nhỏ của thành phố.
Vi phạm nhiều quy định nhưng vẫn bày bán
Theo nghị định số 43/2017/NĐ-CP mục 4, Điều 9, chương I quy định về hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3, Điều 7 và các khoản 3, 4, Điều 8 của Nghị định khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.
Nghị định này đã quy định rõ từng khoản mục về yêu cầu tem, nhãn đối với hàng hóa được nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam. Ngoài ra nhãn phụ gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.
Theo khoản 1, khoản 2, Điều 26 nghị định số 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa có mức phạt lên đến 15 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100 triệu đồng, đồng thời buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về nhãn đang lưu thông trên thị trường.
Cũng theo quy định tại Nghị định số 127/2013/NĐ-CP và hướng dẫn ở Thông tư 190/2013/TT-BTC, Điều 14 quy định về vi phạm chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh có thể phạt tiền từ 30 tiệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hàng hóa không có nhãn nhập khẩu vào Việt Nam và buộc phải đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa đối với hành vi vi phạm.
Việc các cửa hàng bày bán nhiều sản phẩm mang tên nhãn hiệu lớn như: Adidas, Nike, Chanel, Dior, Gucci, YSL,...không hóa đơn, chứng từ xuất – nhập khẩu từ các đơn vị, tổ chức chịu trách nhiệm về nguồn gốc chứng minh sản phẩm là chính hãng, được cấp phép lưu hành tại Việt Nam cũng đang vi phạm Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng có thể phạt tiền lên đến 100 triệu đồng.
Theo quy định tại Điều 213, Điều 214 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã sửa đổi bổ sung năm 2009 có các hình thức xử phạt: Cảnh cáo, phạt tiền từ tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, có thể tịch thu hàng hóa giả mạo, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo, đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh, buộc tiêu hủy hoặc phân phối đưa vào sử dụng không nhằm mục đích kinh doanh, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu sản phẩm giả mạo có tính chất nghiêm trọng.
Đối với các loại nguyên liệu để sản xuất mặt hàng túi xách, ba lô, thắt lưng, ví,... là da động vật bị cấm cũng được quy định tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP sửa đổi nghị định số 06/2019/NĐ-CP quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.
Việc nhập lậu, buôn bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, làm giả các thương hiệu thời trang lớn sẽ tạo ra nhiều hệ lụy nguy hiểm cho nền kinh tế nói chung, khiến cho các thương hiệu nội địa, các thương hiệu mới không thể lớn mạnh vì không được người tiêu dùng ủng hộ, vô tình tạo điều kiện cho sự thống trị của các thương hiệu quốc tế “nhái” tại Việt Nam. Việc làm này gây thất thoát lớn cho kinh tế đất nước, làm cho người tiêu dùng dần mất đi khả năng phân biệt và lựa chọn sản phẩm thật giả, có tâm lý chấp nhận thỏa hiệp với hàng nhái, mất niềm tin vào các sản phẩm chất lượng.
Nhóm PV
(Còn nữa)