LTS: Hàng nhái, hàng giả, hàng không nguồn gốc, xuất xứ ở mặt hàng gia dụng nhất là giày, dép; túi sách; quần áo; mỹ phẩm... quả thật giờ rất nhiều. Nhưng, tôi vẫn tin, ở đất Cảng Hải Phòng không có. Bởi người dân nơi đây được mệnh danh là khách hàng thông thái; giới trẻ được gắn mác sành điệu. Song, thực tế lại hoàn toàn khác, PV Thương hiệu & Công luận mục sở thị thì thấy rằng, nó nhiều đến mức, có thể coi là "thủ phủ" của hàng nhái, hàng không nguồn gốc, xuất xứ. Lực lượng quản lý thị trường liệu có biết? Và, nếu biết thì sẽ như thế nào?
Bài 1: Mục sở thị "thủ phủ" hàng nhái, hàng không nguồn gốc xuất xứ ở đất Cảng Hải Phòng.
Link bài: https://thuonghieucongluan.com.vn/hang-nhai-khong-co-nguon-goc-xuat-xu-xuat-hien-nhan-nhan-tai-thi-truong-hai-phong-a159221.html
Bài 2: Lợi nhuận thu từ bán đồ không rõ nguồn gốc, xuất xứ có phải là bất hợp pháp không?
Bài 3: Thị trường hóa mỹ phẩm Hải Phòng "vàng thau lẫn lộn"
Bài 4: Thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán công khai
Link bài: https://thuonghieucongluan.com.vn/thuc-pham-chuc-nang-khong-ro-nguon-goc-xuat-xu-duoc-bay-ban-cong-khai-a159601.html
Bài 5: Rượu ngoại xách tay ở Hải Phòng "tung tóe" giá bán
Quản lý thị trường bảo có quản lý giá bán "hàng ngoại" nhưng thực tế giá rượu ngoại xách tay chênh lệch lớn. Ở địa điểm A, giá 400.000 đồng, địa điểm B, cùng nhãn mác, chủng loại giá 230.000 đồng. Vậy, quản lý cái gì?
Rượu ngoại không đồng nhất về tem, nhãn la liệt ở cửa hàng
Có mặt tại phố Lãn Ông, nhóm PV Thương hiệu và Công luận dừng chân tại địa chỉ số 9 Lãn Ông, Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng mang tên S.L, một trong những địa chỉ được “dân chơi sành rượu” truyền tai nhau về khá nhiều mặt hàng “hay” mà chỉ ở đây mới có.
Nói về các sản phẩm rượu ngoại của cửa hàng mình, chủ cửa hàng thao thao bất tuyệt: "Các sản phẩm rượu nhập khẩu từ 300.000 đồng đến những chai rượu vài chục triệu đồng cũng có. Sản phẩm rượu tại cửa hàng này hoàn toàn là nhập khẩu".
Tuy nhiên, theo quan sát của PV không phải chai rượu nào ở đây cũng có nhãn phụ, tem nhập khẩu, tem ghi đơn vị nhập khẩu và có tên đơn vị phân phối. Chúng tôi thấy, một số loại rượu được gắn tem chống hàng giả của Việt Nam trên nắp chai. Tuy nhiên tất thảy các chai rượu ngoại mà nhóm PV Thương hiệu & Công luận tiếp cận đều không có tem điện tử.
Đâu mới là giá trị thực
Tại công ty TNHH Tân Hiệp số 28 Lãn Ông, đơn vị chuyên kinh doanh rượu, bia nhập khẩu. Trên thân chai rượu có tem của đơn vị chịu trách nhiệm nhập khẩu. PV bày tỏ mong muốn là mua hàng xong, muốn Công ty xuất hóa đơn đỏ thì người bán hàng nói: "Giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn đỏ sẽ thấp hơn giá bán, giá của sản phẩm sẽ rẻ hơn. Ví như chai rượu giá 265.000 đồng nhưng trên hóa đơn VAT chỉ ghi được mấy chục nghìn thôi. Tất cả các đơn vị nhập khẩu về ai cũng sẽ không làm giá chuẩn để giảm mức thuế phải đóng", nhân viên bán hàng giải thích cho sự chênh lệch giữa giá bán thực và giá ghi vào hóa đơn đỏ.
Vấn đề đặt ra, phía người bán thì ok, trốn được thuế nhưng phía người mua thì thành thảm họa. Bởi, họ mua nhiều, cả chục chai để cho đơn vị, ghi hóa đơn như vậy, người đi mua phải bù tiền sao?
Khi PV đang có thái độ băn khoăn như trên thì người bán hàng của Công ty nói: "Muốn ghi đủ số tiền thì chúng em “có thể ghi đủ số tiền bằng cách ghi tăng số lượng” hàng hóa người mua lên". Đây rõ ràng là hành vi gian lận để trốn thuế cho mặt hàng bia rượu nhập khẩu đang bày bán công khai và không có tem điện tử đối với rượu nhập khẩu.
Những chiếc tem có ý nghĩa quan trọng với rượu nhập khẩu
Chúng tôi không thể hiểu được ý nghĩa của chiếc tem như thế nào cho đến khi chúng tôi tìm đến địa chỉ số 29 Lãn Ông. Sau vài lời tâm sự về sản phẩm xách tay thì bà A chủ cửa hàng bật mí: “Làm gì có hàng xách tay nhiều thế, chuyến bay thương mại thì vẫn có nhưng hạn chế người bay, tiếp viên hàng không còn thất nghiệp ở nhà mấy tháng nay. Hàng nó đi theo công (tức container-PV) bằng đường biển hoặc đường bộ cũng có. Các sản phẩm đấy rẻ hơn nhiều so với hàng bằng đường hàng không” và những hàng hóa đó chưa chắc đã phải là hàng thật, có khi là hàng nhái từ Trung Quốc, hay hàng nhái từ các nước khác.
“Hàng xách tay thì phải có hóa đơn mua hàng bên nước đó gắn kèm mới là chuẩn xách tay bởi nếu không có hóa đơn gắn kèm sẽ không qua mắt được Hải quan về Việt Nam đâu,” bà A chốt câu chắc như đinh đóng cột tường vậy. Thấy chúng tôi có vẻ hoài nghi, người bán hàng cho bà chủ A nói: "Chị tin cô A đi, cô ấy có thâm niên bán rượu ngoại rồi, nói chỉ có chuẩn thôi."
Nhân viên bán hàng tại đây còn giải thích thêm: “Rượu ngoại có 02 loại, một loại của công ty và một loại đóng chai tại Việt Nam. Chúng có cùng mã sản phẩm, cùng thể tích nhưng rượu đóng chai tại Việt Nam thì giá rẻ hơn". PV thắc mắc làm thế nào để phân biệt thì nhân viên bán hàng nói thêm: “Hàng công ty nhập khẩu là có tem nhập khẩu còn hàng đóng chai bán trong nước thì không có hoặc chỉ có tem chống hàng giả của Việt Nam”.
Qua câu chuyện rượu ngoại đóng chai tại Việt Nam chúng tôi mới phần nào hiểu tại sao lại có rượu giả. Bởi rượu ngoại là sản phẩm rượu được sản xuất, nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải có tem nhập khẩu, có đơn vị nhập khẩu, đơn vị phân phối.
Còn rượu “giả ngoại” đóng chai trong nước, trên bao bì thân vỏ vẫn in thông tin chữ nước ngoài, tất cả đều giống hệt hàng nhập khẩu nhưng không tem nhập khẩu nếu có thì may chăng là tem chống hàng giả dán trên nắp. Đương nhiên những chai rượu vỏ ngoại rượu nội như thế sẽ qua mắt được người tiêu dùng và được coi là rượu ngoại.
Rượu ngoại được đóng chai, sản xuất được trong nước thì có phải là hành vi làm giả, làm nhái nhãn hiệu rượu nước ngoài nhằm trục lợi bất chính và đánh lừa người tiêu dùng? Đề nghị cơ quan công an, cơ quan thuế vào cuộc, xác minh, làm rõ.
Rượu ngoại "tung tóe" giá
Chị N. tại quận Lê Chân cho PV biết: Sắp đến Tết Nguyên đán, chị có đi mua và tham khảo giá rượu để làm quà tết cho các mối quan hệ, bạn bè. Tuy nhiên, chị rất bất ngờ bởi mỗi nơi bán một giá khác nhau và chênh lệch khá nhiều, thậm chí gấp đôi cùng nhãn mác, chủng loại.
Chai rượu Luna sản xuất tại Italia chị mua tại Công ty TNHH Tân Hiệp số 28 Lãn Ông với giá 400.000 đồng, đấy là giá đã bớt chứ ban đầu nhân viên nói 450.000 đồng. Nhưng cũng chai rượu Luna sản xuất tại Italia dung tích 750ml tại 179 Lê Duẩn Kiến An lại chỉ có giá 280.000 đồng. Vậy Công ty TNHH Tân Hiệp đã đội giá hay cửa hàng tại quận Kiến An bán "rượu rởm" nên giá rẻ??? Tại cửa Mini Mart 129 Cát Dài giá bán lẻ một chai rượu Luna 750ml cũng là 230.000 đồng. Phải chăng một loại rượu cũng có nhiều phân khúc đắt rẻ khác nhau???
Ông Nguyễn Bá Lộc, Cục Phó Cục Quản lý thị trường Hải Phòng nói: “Anh khẳng định về giá và nhãn phụ các đội đều xử lý rất nghiêm túc”. Xử lý "nghiêm túc" quá, đến mức giá nó "tung tóe" vậy sao? "nhãn phụ" nó thiếu nhiều thế sao?
Rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Kinh doanh rượu không giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép; Trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là vi phạm quy định pháp luật quy định tại Điều 7, Nghị định 105/2017/NĐ-CP ngày 14/09/2017 về kinh doanh rượu.
Theo thông tư số 23/2021/TT-BTC, mỗi chai rượu nhập khẩu phải dán tem điện tử, tem có dấu hiệu nhận biết bằng mắt thường và có chứa đựng các thông tin, dữ liệu điện tử được kích hoạt, tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để phục vụ công tác quản lý của doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý Nhà nước.
Để nhập khẩu rượu, trước khi nhập khẩu rượu, ngoài xin giấy phép phân phối rượu, doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục công bố sản phẩm rượu. Rượu nhập khẩu phải được đăng ký và dán tem theo quy định. Sau khi nhập khẩu rượu, doanh nghiệp phải dán nhãn phụ sản phẩm rượu bằng tiếng Việt.
Đối chiếu các quy định tại Điều 13, Nghị định 105/2017/NĐ-CP ngày 14/09/2017 về kinh doanh rượu để được bán lẻ rượu thì tổ chức, cá nhân phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật. Có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng. Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu. Rượu dự kiến kinh doanh phải bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định. Bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định.
Tuy nhiên, tại Hải Phòng nhiều cửa hàng tạp hóa cũng bày bán rượu ngoại; Giá thì "tung tóe". Rượu ngoại thì không nhiều thứ... Chúng tôi chờ đợi giải thích hợp tình, có lý từ phía Quản lý thị trường Hải Phòng. Chứ không phải kiểu "chủ động gọi điện" sang trao đổi, nhưng khi PV Thương hiệu & Công luận trao đổi những vấn đề mấu chốt mà loạt bài đã đăng thì im lặng. Vậy, ông Nguyễn Bá Lộc, Cục Phó Cục Quản lý thị trường Hải Phòng "chủ động" mời phóng viên sang trao đổi nhằm mục đích gì thì chỉ có ông Lộc và Quản lý thị trường Hải Phòng hiểu.
Nhóm PV
(Còn nữa)