LTS: Hàng nhái, hàng giả, hàng không nguồn gốc, xuất xứ ở mặt hàng gia dụng nhất là giày, dép; túi sách; quần áo; mỹ phẩm... quả thật giờ rất nhiều. Nhưng, tôi vẫn tin, ở đất Cảng Hải Phòng không có. Bởi người dân nơi đây được mệnh danh là khách hàng thông thái; giới trẻ được gắn mác sành điệu. Song, thực tế lại hoàn toàn khác, PV Thương hiệu & Công luận mục sở thị thì thấy rằng, nó nhiều đến mức, có thể coi là "thủ phủ" của hàng nhái, hàng không nguồn gốc, xuất xứ. Lực lượng quản lý thị trường liệu có biết? Và, nếu biết thì sẽ như thế nào?

Bài 1: Mục sở thị "thủ phủ" hàng nhái, hàng không nguồn gốc xuất xứ ở đất Cảng Hải Phòng.

Bài 2: Lợi nhuận thu từ bán đồ không rõ nguồn gốc, xuất xứ có phải là bất hợp pháp không?

Bài 3: Thị trường hóa mỹ phẩm Hải Phòng "vàng thau lẫn lộn"   

Bài 4: Hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ bày bán nhan nhản tại Hải Phòng nhờ "tay to" 

Bài 5: Vì sao thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ "bám rễ" được ở Hải Phòng

Thực phẩm chức năng ngoại nhưng không có nhãn phụ

Từ các trang mạng xã hội như: Facebook, zalo hay các gian hàng điện tử: Shopee, Lazada đến các cửa hàng kinh doanh hàng tiêu dùng đều thấy bày, giao bán, mời chào khuyến mại hấp dẫn của thực phẩm chức năng (TPCN).

Các loại TPCN ở đất Cảng quả thật rất phong phú về, chủng loại, công dụng như: Cốm bổ cho trẻ nhỏ, viên uống tăng size vòng một cho phụ nữ, thuốc chữa dạ dày, chữa đau nhức xương khớp,...cam kết chính hãng, đảm bảo hàng nhập khẩu hay xách tay về từ nước ngoài. Thậm chí có nhiều loại TPCN được quảng cáo “cải não hoàn đồng” cho cả nam và nữ.

TPCN không có nhãn phụ được bày bán công khai.

Theo quan sát của nhóm PV Thương hiệu & Công luận tại số 38 Thiên Lôi, cửa hàng mỹ phẩm Vinh Hoa số 231A Trần Nguyên Hãn, 264B Trần Nguyên Hãn,… ngoài mỹ phẩm thì tại đây còn bày bán TPCN ngoại. Tất thảy đều được bày bán công khai và quảng cáo biển hiệu bắt mắt. Tuy nhiên, các cửa hàng đều có điểm chung là khi hỏi về việc nguồn gốc sản phẩm thì chủ cửa hàng/nhân viên chỉ khẳng định bằng miệng "đây là hàng chuẩn, xách tay từ nước ngoài nên không có nhãn phụ".

Tại số 230 Trần Nguyên Hãn cửa hàng DHmart chuỗi siêu thị hàng Nhật Bản, các loại TPCN vô cùng phong phú từ viên uống Transino white C, viên uống trị nám, thuốc chữa xương khớp, thuốc cảm, thuốc bổ não, thuốc dạ dày, thuốc giảm đau, viên uống tảo biển, viên uống nội tiết, thuốc nhỏ mắt, viên uống mọc tóc, colagen các dạng như: Dạng viên, dạng nước, dạng bột,...

TPCN không có nhãn phụ được bày bán công khai
TPCN không có nhãn phụ được bày bán công khai. 

PV Thương hiệu & Công luận hỏi "tại sao sản phẩm không có thông tin tiếng Việt kèm theo?" thì nhân viên bán hàng trả lời: "Chị ơi, đây là hàng xách tay từ Nhật về, nên không có nhãn tiếng Việt, chỉ có hàng nhập khẩu mới có nhãn phụ thôi". PV lại hỏi: "Làm thế nào để xác minh đây có phải là hàng chuẩn xách tay từ Nhật"? Nhân viên bán hàng: "Em khẳng định là chuẩn, vì đã bán 05 - 06 năm ở đây rồi mà không ai đưa ra được bằng chứng, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ là hàng thật hay bị làm giả". Câu trả lời quả là không ngoan của cô bán hàng thuê khiến chúng tôi phải khự lại mất vài phút. Rồi khi PV Thương hiệu & Công luận hỏi về công dụng của TPCN mà họ đang đứng bán chính thì nhân viên này thừa nhận: “Nhiều khi em cũng không biết đây là TPCN gì? Công dụng như thế nào đều lên mạng tra để tư vấn".

TPCN xách tay trốn thuế bày bán công khai

Vitamin nhập ngoại không có nhãn phụ, không niêm yết giá
Vitamin nhập ngoại không có nhãn phụ, không niêm yết giá. 

Rời khỏi cửa hàng đồ Nhật Bản chúng tôi ghé vào một địa chỉ về các sản phẩm sâm nấm Hàn Quốc. Biển hiệu ghi rõ TPCN và mỹ phẩm ở số 282 Trần Nguyên Hãn. Sau một hồi thăm quan các sản phẩm thì PV Thương hiệu & Công luận cũng tìm thấy một vài sản phẩm có nhãn phụ bằng tiếng Việt. PV được tư vấn về cách sử dụng các loại TPCN dùng bồi bổ cơ thể từ chị B, nhân viên cửa hàng: “Tất cả độ tuổi đều dùng được, nó là thuốc bổ chứ có phải thuốc chữa bệnh đâu”. Đồng thời, chị B khẳng định: "Người mệt mỏi, yếu là dùng được".

Các loại TPCN chiết xuất từ sâm, nấm Linh Chi nên có giá khá cao, theo tư vấn của chủ hàng thì "rất nhiều loại tùy vào khả năng kinh tế của khách". PV Thương hiệu & Công luận hỏi về cách xác định thông tin, nguồn gốc chuẩn 100% như lời cam kết của chủ cửa hàng thì nhận được trả lời: “Phải là sản phẩm đăng ký qua công ty nhập khẩu thì mới tra được mã vạch trên mạng. Ở đây, hầu hết các sản phẩm chưa được đăng ký”. Nhân viên bán hàng còn thanh minh: "Sản phẩm của cửa hàng 100% là hàng xách tay".

Hàng xách tay đóng thùng carton xếp ngổn ngang.
Hàng xách tay đóng thùng carton xếp ngổn ngang.

Theo quan sát thực tế của PV Thương hiệu & Công luận, tại cửa hàng này, chúng tôi nhận thấy hàng hóa được về theo thùng, xếp kín lối ra vào; thậm chí bày ngổn ngang ngay tại gian hàng.

PV băn khoăn về việc đăng ký và không đăng ký mã sản phẩm, liệu đây có phải là hàng hóa nhập lậu, trốn thuế và liệu có “chuẩn 100%” hàng ngoại như lời nhân viên bán hàng nói hay chỉ là hàng nhái, làm giả dập bao bì, nhãn mác Hàn Quốc để đánh lừa người tiêu dùng?

Đây là loại TPCN được bán với giá rất cao lên đến cả chục triệu đồng một sản phẩm. Thứ quý giá nhất là sức khỏe người tiêu dùng sẽ đi về đâu khi TPCN này tác dụng trực tiếp vào cơ thể mà không xác định được nguồn gốc. Phải chăng đang có sự buông lỏng, làm ngơ trong công tác quản lý của cơ quan chức năng cho các hoạt động buôn bán hàng hóa "xách tay", "lách thuế" một cách công khai?

TPCN là mặt hàng kinh doanh có điều kiện

Điều đáng quan tâm là nhiều cửa hàng không đủ điều kiện bán TPCN hoặc bán TPCN chưa được xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm mà vẫn bày bán công khai TPCN với nhiều công dụng. Đã vậy, sản phẩm lại không nhãn phụ và không nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không niêm yết giá, có dấu hiệu làm giả, trốn thuế.

Sản phẩm tốt hay không đều dựa vào mức giá thành cao hay thấp mà chủ cửa hàng kinh doanh "quy định và tư vấn". Các mặt hàng ở đây có nhiều mức giá khác nhau và cùng một sản phẩm các cửa hàng cũng bán với giá khác nhau.

Cao nóng Hàn Quốc không có nhãn phụ
Cao nóng Hàn Quốc không có nhãn phụ.

Để kinh doanh TPCN thì tổ chức, cá nhân phải đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cá thể và đăng ký ngành nghề kinh doanh TPCN theo đúng quy định. Bên cạnh đó, sau khi đăng ký kinh doanh TPCN thì chủ cơ sở kinh doanh và người trực tiếp kinh doanh TPCN phải tham gia lớp tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm để được cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhằm xác minh thông tin, vì sao TPCN lại "bám rễ" được ở đất Cảng Hải Phòng, PV Thương hiệu & Công luận (sáng 23/12) đã liên hệ với ông Lê Khắc Nam Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, kiêm Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng về việc "TPCN có được bán tràn lan công khai tại các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiêu dùng mà không nguồn gốc xuất xứ, không nhãn phụ. TPCN là sản phẩm kinh doanh có điều kiện tuy nhiên các đơn vị, cá nhân hiện TPCN tại Hải Phòng lại chưa đăng ký kinh doanh TPCN theo đúng quy định, chưa tham gia lớp tập huấn kiến thức về VSATTP, chưa có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức VSATTP.

Theo phản ánh của bạn đọc, một số sản phẩm có dấu hiệu chưa được xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP theo quy định tại Nghị định 38/2012/ND-CP và Thông tư 43/2014/TT/BYT.

TPCN có nhãn 100% tiếng nước ngoài
TPCN có nhãn 100% tiếng nước ngoài. 

Theo quy định tại Thông tư số 26/2012/TT-BYT để có thể kinh doanh TPCN, cơ sở kinh doanh phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và sản phẩm TPCN phải được cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo quy định tại Nghị định số 38/2012/NĐ-CP và Thông tư 43/2014/TT-BYT.

Với cơ chế thị trường mở cửa như hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa càng ngày càng được Nhà nước ta khuyến khích nên không ít đối tượng đã lợi dụng việc đó để trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng không có nguồn gốc xuất xứ để “tuồn” vào thị trường nhằm “móc túi” người tiêu dùng. Đề nghị các cơ quan chức năng liên quan của đất Cảng Hải Phòng vào cuộc làm rõ.

Nhóm PV

(Còn nữa)