Nhà máy SX máy photocopy của Tập đoàn Kyocera Mita (Nhật Bản) - một trong những dự án FDI thành công của Hải Phòng
Một số kết quả nổi bật
Xác định rõ lợi thế là cửa ngõ kết nối giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, thành phố Hải Phòng một mặt tập trung mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước từ trung ương và thành phố cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đồng thời cũng chú trọng đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thông qua việc khuyến khích các dự án đầu tư với hình thức hợp tác công tư, các dự án thu hút FDI.
Hải Phòng thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố như: Công ty Cổ phần phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP), Công ty Jafco Investment Asia Pacific Ltd (Khu công nghiệp Nomura), Công ty Infra Asia Development Ltd, Công ty TNHH Tư vấn và quản lý dự án Infra Asia (Khu công nghiệp Đình Vũ), Công ty Molnykit Co. Ltd (Dự án xây dựng hai bến khởi động Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng), Tập đoàn Vingroup (cầu Vũ Yên 1), Tổng công ty xây dựng số 1 (đường bộ ven biển),…
Bên cạnh những nỗ lực trong đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, nhằm tiếp tục cải thiện, tạo sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh thành phố, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã và đang có những biện pháp quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành bộ máy chính quyền. Với các Nghị quyết, Chỉ thị, các kế hoạch triển khai, cam kết về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, các thủ tục hành chính đã được rút gọn một cách đáng kể, như: giảm thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp xuống còn dưới 2,5 ngày làm việc; thời gian giải quyết thủ tục đầu tư đối với các nhà đầu tư trong nước giảm trên 60%, đối với dự án đầu tư nước ngoài giảm khoảng 30%; đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian cấp Giấy phép xây dựng xuống còn không quá 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đối với trường hợp là công trình; thời gian quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và nhận bàn giao đất ngoài thực địa (trong đó bao gồm xác định đơn giá tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) không quá 30 ngày...
Đặc biệt, từ tháng 9/2016, UBND thành phố Hải Phòng đã tăng cường đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp thông qua việc tổ chức đối thoại định kỳ vào ngày mùng 10 hàng tháng với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đến tháng 8/2018, thành phố đã tổ chức 21 Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, đã có 156/235 kiến nghị được giải quyết triệt để, 79 kiến nghị đang được UBND thành phố và các Sở, ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương giải quyết.
Việc đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn thành phố thời gian qua đã giúp cho kinh tế - xã hội của thành phố phát triển vượt bậc so với trước đây. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố từ năm 2016 trở lại đây đã đạt mức hai con số, năm 2016 đạt 11%, năm 2017 đạt 14,01%, 6 tháng năm 2018 đạt 16%, vượt xa so với giai đoạn 2011-2015 bình quân là 9,08%/năm. Sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Hải Phòng ngày càng tăng, năm 2010 đạt 37,9 triệu tấn; đến năm 2017 đạt hơn 92,05 triệu tấn, gấp 2,4 lần; 7 tháng đầu năm 2018 đạt 60,3 triệu tấn, tăng 18,58% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 6,3 tỷ USD, gấp hơn 3 lần năm 2010; 7 tháng đầu năm tăng 25,61% so với cùng kỳ năm 2017. Thu hút FDI đã có sự tăng trưởng đột phá, đến nay thành phố có 580 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 15,7 tỷ USD đến từ nhà đầu tư của 38 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Hải Phòng hướng tới xây dựng thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại, là đầu tàu động lực có sức lan toả của khu vực Duyên hải Bắc Bộ về phát triển kinh tế - xã hội, trung tâm công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao của cả nước, kết nối mạnh mẽ với thế giới, khu vực và các địa phương khác trong cả nước; thành phố Hải Phòng tiếp tục coi trọng việc thu hút các nguồn lực cho đầu tư, phát triển, huy động và thu hút tối đa các nguồn vốn trong nước và nguồn vốn đầu tư nước ngoài thông qua các hình thức đầu tư đa dạng như BT, PPP, FDI, M&A. Đối với các công trình hạ tầng như xây dựng mới, nâng cấp các tuyến đường, cầu, các công trình thủy lợi, thành phố khuyến khích hình thức đầu tư PPP.
Về FDI, thành phố Hải Phòng tiếp tục xúc tiến đầu tư nước ngoài trên nguyên tắc có chọn lọc, không thu hút đầu tư bằng mọi giá, kiên quyết từ chối các dự án ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, sử dụng tiêu tốn năng lượng, tài nguyên, khoáng sản, giá trị gia tăng thấp. Thành phố ưu tiên, chú trọng thu hút các dự án có chất lượng, hiệu quả kinh tế, đảm bảo môi trường, phát triển bền vững, có cam kết chuyển giao công nghệ và lao động có kỹ năng cao; tập trung thu hút những nhà đầu tư lớn, có sử dụng công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường; các nhà đầu tư vừa và nhỏ phù hợp với từng lĩnh vực, từng địa phương... đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm và hàng hóa xuất khẩu, đồng thời có đóng góp lớn cho ngân sách thành phố. Thành phố định hướng đa dạng hóa các loại hình xúc tiến đầu tư nhằm phát triển Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải thành một trong những trung tâm kinh tế giao thương quốc tế hiện đại của Khu vực duyên hải Bắc Bộ và cả nước, đồng thời là cửa mở ra biển chủ yếu của hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam- Trung Quốc, xây dựng các khu đô thị và các khu dịch vụ công cộng hiện đại trong Khu kinh tế; Xây dựng thí điểm một số Khu công nghiệp sinh thái thực hiện Nghị định 82 của Thủ tướng Chính phủ nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp thông qua các biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, khuyến khích sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.
Một số lĩnh vực thành phố sẽ tập trung thu hút đầu tư như: ngành sản xuất sử dụng công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ; phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực; chế biến nông sản gắn với quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp; các ngành dịch vụ gắn với cảng biển, cảng hàng không có giá trị gia tăng cao, trung tâm logistics quy mô khu vực; các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn; các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội (khám chữa bệnh, công nghiệp dược và vac-xin, sinh phẩm), bảo đảm môi trường và an ninh quốc gia... .
Thành phố Hải Phòng hướng tới và tập trung xúc tiến đầu tư với các tập đoàn kinh tế lớn trong nước và quốc tế có khả năng kéo theo nhiều doanh nghiệp sản xuất vệ tinh, tạo thành chuỗi giá trị toàn cầu; các nhà đầu tư có thương hiệu, có năng lực tài chính và trình độ, kinh nghiệm quản lý, có khả năng liên kết và tác động tích cực đến các doanh nghiệp của địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Các quốc gia chiến lược trong thu hút đầu tư là: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, các nước châu Âu.
Vũ Duyên