Tòa soạn Thương hiệu & Công luận nhận được phản ánh của bạn đọc về việc thời gian gần đây, xe tự chế ngang nhiên lưu thông trên đường phố Hải Phòng. Từ bạn đọc phản ánh, phóng viên đã "mục sở thị" và thấy, phản ánh của bạn đọc là đúng.
Để làm rõ nội dung trên PV Thương hiệu & Công luận đã liên hệ với Công an thành phố Hải Phòng tìm hiểu và được biết, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (CSGT ĐB-ĐS) - Công an thành phố đã chủ động tham mưu với Giám đốc Công an thành phố (CATP) ban hành 03 văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp công tác để giải quyết tình trạng người điều khiển xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông (gọi tắt là “xe tự chế”).
Trọng tâm là Kế hoạch xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, xe sản xuất, lắp ráp trái quy định” nhằm phòng ngừa ùn tắc, tai nạn giao thông; đồng thời, xây dựng Kế hoạch triển khai tại đơn vị.
Ngay sau khi Giám đốc CATP ban hành Kế hoạch chỉ đạo, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hải Phòng đã tập trung triển khai lực lương, thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác nhằm giải quyết tình trạng trên. Trong đó, tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động quần chúng chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), nhất là không sử dụng xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, xe sản xuất, lắp ráp trái quy định để tham gia giao thông; kết hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với loại phương tiện này.
Trong 11 tháng đầu năm 2021, lực lượng CSGT - Công an thành phố đã kiểm tra, xử lý 692 trường hợp vi phạm liên quan đến vi phạm chở hàng cồng kềnh, kéo đẩy, điều khiển “xe tự chế”. Tiền phạt theo lỗi: 336.000.000đ; tạm giữ 14 phương tiện; yêu cầu 104 trường hợp viết cam kết không tái phạm.
Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc CATP, lực lượng CSGT Hải Phòng đã tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác bảo đảm TTATGT; việc kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp xe chở hàng cồng kềnh, kéo đẩy, xe thô sơ, xe gắn máy tự chế... được tập trung thực hiện, đạt hiệu quả cao, góp phần phòng ngừa, kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố. Theo thống kê từ đầu năm 2021, chưa có trường hợp nào thương vong do xe "tự chế” gây ra.
Theo thông tin từ Công an thành phố thì đa số điều khiển “xe tự chế” tham gia giao thông là người lao động thu nhập thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc đối tượng thuộc diện chế độ, chính sách (thương binh) nên mặc dù biết sẽ bị xử phạt nhưng vẫn vi phạm; đồng thời, dư luận xã hội dễ đồng tình, cảm thông dẫn đến việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu của người dân đối với việc chở hàng hóa, vật liệu xây dựng cồng kềnh di chuyển vào các tuyến đường nhỏ, hẹp, giá thành rẻ dẫn đến loại hình phương tiện này vẫn còn tồn tại.
Hầu hết phương tiện vi phạm đều có giá trị thấp; nhiều chủ xe khi bị xử phạt đã tháo dỡ hàng hóa mang đi, bỏ lại phương tiện. Có trường hợp người vi phạm nhận biên bản vi phạm hành chính, nhưng không đến cơ quan Công an để hoàn thiện thủ tục xử phạt. Đối với những trường hợp này mất rất nhiều thời gian xác minh, thông báo tìm chủ sở hữu rồi mới có thể thanh lý, tiêu hủy được.
Việc tháo dỡ hàng hóa trên phương tiện cũng như vận chuyển phương tiện bị tạm giữ còn gặp nhiều khó khăn do người vi phạm không tự tháo dỡ hàng hóa; lực lượng chức năng không có trang bị để tháo dỡ hàng hóa, mất rất nhiều thời gian, công sức để đưa phương tiện vi phạm về nơi tạm giữ.
Một số trường hợp thương binh nhận là chủ xe đề xuất, can thiệp gây khó khăn cho công tác xử lý, tạm giữ phương tiện vi phạm.
Để giải quyết tình trạng phương tiện chở hàng cồng kềnh, xe thô sơ, xe gắn máy tự chế trên các địa bàn thành phố, cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, chính quyền các cấp; sự điều hành, phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành của thành phố; sự tham gia, ủng hộ tích cực của nhân dân.
Trong đó, tập trung vào việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố; trong đó nhấn mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về xử lý đối với phương tiện chở hàng cồng kềnh, xe thô sơ, xe gắn máy tự chế.
Tổ chức rà soát, kiểm tra và yêu cầu các cơ sở kinh doanh ký cam kết không sử dụng xe tự chế chở hàng trên đường, chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT; tiến hành kiểm tra và yêu cầu các cơ sở cơ khí, cơ sở sửa chữa xe máy trên địa bàn thành phố ký cam kết không sản xuất, lắp ráp, cải tạo,... những xe không đúng chủng loại kích cỡ theo quy định. Tăng cường xử lý đối với phương tiện chở hàng cồng kềnh, xe thô sơ, xe gắn máy tự chế. Đồng thời, Đảng ủy, chính quyền các cấp nghiên cứu có chính sách hợp lý giúp chủ phương tiện thay đổi nghề nghiệp, góp phần an sinh xã hội và phòng ngừa tai nạn giao thông do loại phương tiện này gây ra.
Quỳnh Nga