Lực lượng Hải quan Lạng Sơn kiểm tra hàng hóa vi phạm
Tính đến ngày 12/9, Cục Hải quan Lạng Sơn đã phát hiện, xử lý 559 vụ vi phạm, trị giá ước tính 39,8 tỷ đồng. Trong đó, có 396 vụ vi phạm hành chính, trị giá trên 345 tỷ đồng; 126 vụ buôn lậu, trị giá 2,9 tỷ đồng; 19 vụ vi phạm SHTT, hàng giả, tiền giả, trị giá 2,1 tỷ đồng...
Những tháng cuối năm, lượng hàng hóa XNK tăng, hàng hóa vận chuyển trái phép qua biên giới diễn biến phức tạp, tập trung vào những nhóm hàng tiêu dùng. Các chủ hàng vẫn lợi dụng đêm tối để thuê người mang vác hàng hóa qua các đường mòn, lối mở gần khu vực cửa khẩu.
Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu được các đối tượng vận chuyển thường là quần áo, hàng tạp hóa, giày, dép, thực phẩm không rõ nguồn gốc. Hoạt động GLTM diễn ra dưới các hình thức như khai báo sai về tên hàng, số lượng, thuế suất, mã số hàng hóa, xuất xứ..., lợi dụng kẽ hở về chính sách quản lý của các bộ, ngành để thực hiện các hành vi GLTM.
Trước tình hình đó, Cục Hải quan Lạng Sơn chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan; tích cực điều tra, nắm tình hình về các đối tượng, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Tích cực thu thập thông tin, tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm...
Phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, Vũ Tuấn Bình cho biết:
“Nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các DN, tổ chức, cá nhân trong quá trình hoạt động XNK hàng hóa, ngành hải quan tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt hàng hóa qua cửa khẩu. Đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt đối với hàng hóa XNK nhằm tránh việc gian lận, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng để xác định mặt hàng, DN có dấu hiệu rủi ro hay bị gian lận, giả mạo xuất xứ, hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, bảo đảm quyền lợi của DN làm ăn chân chính và NTD...
Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, Tôn Văn Hà, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua các khu vực thuộc địa bàn do đơn vị quản lý luôn diễn biến phức tạp. Các đối tượng chủ yếu lợi dụng trời tối, địa hình đường đồi núi, dốc đứng trơn trượt, rừng rậm khó đi lại để mang vác hàng hóa theo các đường mòn qua biên giới nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Các chủ đầu nậu, đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh. Để đấu tranh, Chi cục đã xây dựng kế hoạch cao điểm chống buôn lậu theo từng thời gian cụ thể trong năm; nghiên cứu nắm tình hình, lập sơ đồ các khu vực thuộc địa bàn quản lý; xây dựng phương án đối với từng vị trí trọng điểm, đấu tranh, bắt giữ đối tượng cụ thể.
Qua đó, Chi cục triển khai có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, thay đổi phương thức tuần tra, kiểm soát địa bàn, tổ chức tuần tra công khai, tuần tra cơ động, bảo đảm kiểm soát tốt địa bàn được giao quản lý, không để hình thành các điểm nóng về buôn lậu.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đó là do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nhiều đường mòn, lối tắt qua lại biên giới, nhiều khu chợ, khu dân cư khu vực cửa khẩu, đã gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu.
Đời sống của một bộ phận dân cư khu vực biên giới còn gặp nhiều khó khăn, các chủ đầu nậu lợi dụng thuê để mang vác, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gây khó khăn cho công tác đấu tranh chống buôn lậu.
Nguyễn Kiên