Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm 2020, do tác động của Covid-19 xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang thị trường này đã giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2019, giá trị đạt hơn 209 triệu USD.

Lợi thế thuế quan từ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc (KVFTA) vẫn phần nào giúp hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang thị trường này.

Trong cơ cấu sản phẩm mực, bạch tuộc của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc, bạch tuộc vẫn chiếm ưu thế với 74%, mực chiếm 26%. So với năm trước, xuất khẩu bạch tuộc sang Hàn Quốc giảm, trong khi xuất khẩu mực lại có xu hướng tăng.

Sự tăng trưởng này chủ yếu là do sự tăng trưởng trong xuất khẩu mực khô, nướng. Theo số liệu của ITC, trong 10 tháng đầu năm 2020, Hàn Quốc hiện đang nhập khẩu mực, bạch tuộc từ 10 nguồn cung, giảm 4,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp mực, bạch tuộc hàng đầu vào Hàn Quốc. Các nhà cung cấp quan trọng khác cho thị trường mực ống Hàn Quốc là Peru, Việt Nam và Thái Lan.

Trong số các sản phẩm mực, bạch tuộc nhập khẩu vào Hàn Quốc, bạch tuộc hun khói/đông lạnh/sấy khô/ngâm nước muối (HS 030759) ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh nhất 53%.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện thị phần thủy sản Việt Nam nói chung, mực, bạch tuộc nói riêng tại Hàn Quốc còn rất khiêm tốn. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu các chuyên gia nhấn mạnh là do hàng Việt chưa đáp ứng được về chất lượng và quy trình bảo quản nông sản theo yêu cầu của Hàn Quốc.

Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc khuyến cáo, doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam sang Hàn Quốc cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Hàn Quốc về vệ sinh an toàn thực phẩm nếu không muốn đối mặt với rủi ro, thiệt hại lâu dài.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chế biến sang Hàn Quốc cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng của hai nước và đối tác Hàn Quốc để cập nhật các quy định liên quan, tránh ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu cũng như hình ảnh sản phẩm Việt Nam đối với người tiêu dùng Hàn Quốc.

Ngoài ra, Thương vụ cho biết thêm, theo quy định của Hàn Quốc (Luật đặc biệt về quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu), khi phát hiện sản phẩm thực phẩm nhập khẩu có chất gây hại thì cơ quan chức năng có quyền yêu cầu nhà nhập khẩu phải thu hồi, hủy toàn bộ lượng hàng đang phân phối.

Minh Đức