Tăng trưởng 5% so với cùng kỳ 2019
Năm 2020, mặc dù có những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, tuy nhiên, khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) thông qua cảng biển vẫn duy trì mức tăng trưởng 2 con số, với hơn 332 triệu tấn hàng hóa XNK được thống kê riêng trong 10 tháng năm 2020. Nếu tính cả hàng hóa nội địa và quá cảnh thông qua cảng biển Việt Nam, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 10 tháng năm 2020 đã đạt hơn 572 triệu tấn.
Cụ thể, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 10 tháng năm 2020 đạt 572.481.000 tấn, tăng 5% so cùng kỳ 2019.
Trong đó, hàng xuất khẩu đạt 144.610.000 tấn, tăng 11% so cùng kỳ 2019; hàng nhập khẩu đạt 187.839.000 tấn, tăng 11% so cùng kỳ. Khối lượng hàng container thông qua cảng biển 10 tháng năm 2020 ước đạt 17,96 triệu TEUs, tăng 12% so cùng kỳ. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt 5,9 triệu TEUs, tăng 11% so cùng kỳ, hàng nhập khẩu đạt 5,8 triệu TEUs, tăng 6% so cùng kỳ, hàng nội địa đạt 6,24 triệu TEUs, tăng 21% so cùng kỳ.
Năm 2020, hàng hải Việt Nam tăng trưởng đạt 572.481.000 tấn, tăng 5% so cùng kỳ 2019
Với sự tăng trưởng tích cực được tiếp tục duy trì như hiện nay, lượng hàng hóa XNK và giao lưu giữa các vùng, miền trong nước bằng đường biển trong năm 2020 sẽ đạt được đúng như mức dự báo tại trong Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 - được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 (khoảng 640 - 680 triệu tấn vào năm 2020).
Việc phát triển các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cho phép tiếp nhận các tàu mẹ có trọng tải lớn (Lạch Huyện đến 132.000DWT, Cái Mép đến 214.000DWT…) đã tạo vị thế cho cảng biển Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm chi phí trung chuyển qua các quốc gia khác, góp phần giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho cảng biển và giá trị hàng hóa của Việt Nam.
Tăng cường phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trưởng BCĐ389/QG, Cục Hàng hải đã phối hợp với Văn phòng thường trực BCĐ389/QG và các cơ quan có liên quan khảo sát, đánh giá tình hình tìm giải pháp xử lý hành vi tắt hệ thống nhận dạng tự động (AIS) và hệ thống nhận dạng và truy theo tầm xa (LRIT) trên tàu thuyền của các phương tiện hoạt động trên biển; rà soát chấn chỉnh hoạt động vận chuyển hàng hóa của các phương tiện có tốc độ cao trên vùng biển Việt Nam, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Tại Thông tư số 11/2016/TT-BGTVT ngày 2/6/2020 của Bộ GTVT, ban hành Quy chuẩn số 21:2015/BGTVT Quy chuẩn quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép, theo đó, quy định tàu biển từ 300 GT trở lên vận tải trên tuyến quốc tế và từ 500 GT trở lên vận tải trên tuyến nội địa thuộc đối tượng lắp đặt thiết bị AIS. Việc quy định các phương tiện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình ngoài đảm bảo công tác an toàn, an ninh trong qua trình hành hải còn hỗ trợ rất lớn trong công tác phòng chống, theo dõi phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Cục thường xuyên chỉ đạo các cảng vụ hàng hải tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan (cục hải quan, bộ đội biên phòng...) và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành liên quan khác tại các cảng biển, bến thủy nội địa trong khu vực quản lý kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ các phương tiện vi phạm.
Điển hình, như, ngày 15/5/2020, Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa đã phối hợp với Chi Cục Hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn và Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Nghi Sơn, phát hiện, xử lý vụ việc có dấu hiệu vi phạm có liên quan tới biển Golden Bay, có chứa số lượng lớn gạo đóng trong bao bì mà không chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Tháng 8/2020, Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam đã phối hợp với BTL vùng Cảnh Sát biển 2 xử phạt vi phạm hành chính đối với tàu Tuấn Dũng 25 với tổng tiền xử phát 114.500.000 đồng, tịch thu 2.197,22 tấn quặng Ilmenite có dấu hiệu vi phạm pháp luật…
Huy Trung