AEC được chính thức thành lập vào ngày 31/12/2015. Theo như cam kết cắt giảm thuế sau khi gia nhập AEC, đến nay Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10.000 dòng thuế xuống mức 0-5% theo ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa, chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội lớn khi xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, mở rộng thị trường tại các quốc gia trong khu vực. Cùng với đó, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước ASEAN còn có cơ hội mở rộng thị trường khác vì các quốc gia trong AEC còn có các hiệp định thương mại tự do với các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, sau gần 3 năm AEC ra đời, nhưng hàng hóa từ Việt Nam vẫn chưa xuất khẩu và thâm nhập sâu với số lượng lớn vào thị trường này.

Hàng hóa 'Made in Vietnam' loay hoay tìm đường vào thị trường ASEAN - Hình 1

Các siêu thị điện máy tại Việt Nam có hàng Thái Lan chiếm số lượng lớn

Theo ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), khu vực thị trường ASEAN có khoảng 600 triệu dân, sau khi AEC hình thành đã giúp tăng cường hợp tác, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua hình thức tự do luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, cắt giảm thuế quan… Sau 3 năm thành lập AEC, hàng hóa các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam khá nhiều.

Lượng hành hóa của các nước trong khu vực đang "đổ bộ" khá nhanh vào Việt Nam, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn loay hoay với bài toán đầu ra của mình.

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, sau 3 năm thành lập AEC, doanh nghiệp Việt biết AEC chiếm khoảng 50%, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp biết rõ và tìm hiểu thị trường lại rất ít. Đây chính là lý do mà hàng Việt vào thị trường này ở mức thấp.

“AEC là thị trường chung không biên giới nhưng Việt Nam không tận dụng được nhiều. Thật đáng tiếc vì Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN hiện tại thấp nhất so với các nước khác trong khu vực. 100% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu trên thế giới thì chỉ có 9,8% vào thị trường ASEAN. Trong khi đó, tỷ lệ xuất khẩu trung bình của các nước ASEAN vào nội khối là 24%”, bà Tuệ Anh chia sẻ.

Nguyên nhân khiến cho hàng hóa “Made in Vietnam” khó đi vào thị trường AEC là do cơ cấu hàng hóa khá tương đồng trong khu vực ASEAN nên doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là các ngành được bảo hộ. Ngoài ra, hàng hóa Việt Nam có chất lượng chưa cao, mẫu mã chưa đa dạng, đặc biệt chưa xây dựng được thương hiệu lớn. Về chiến lược xâm nhập thị trường, marketing căn bản đối với cộng đồng doanh nghiệp chưa được quan tâm. Đặc biệt vấn đề xúc tiến thương mại để lựa chọn tổ chức hàng hóa gì thâm nhập thị trường. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp Việt cũng đang tỏ ra lo lắng khi hàng hóa các nước "đổ bộ" vào Việt Nam quá nhanh.

Theo Sở Công thương TP.HCM, từ năm 2015 đến 2017, lượng hàng hóa từ TP Hồ Chí Minh xuất khẩu vào ASEAN đều tăng. Cụ thể, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,31 tỷ USD, tăng 13% so với 2015; năm 2017, kim ngạch đạt 3,47 tỷ USD, tăng 4% so với 2016.Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam vào AEC có tăng nhưng không tăng đột biến sau khi AEC được thành lập. Cụ thể năm 2014, mức kim ngạch xuất khẩu đã cao hơn cả năm 2015 và gần bằng năm 2016, đạt 3,24 tỷ USD

Hằng Vương