Trong công văn kêu cứu gửi Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Hàng không cho biết, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng bất lợi tới nền kinh tế nói chung và ngành hàng không trong nhiều năm tới.

Hiệp hội Hàng không đề nghị tiếp tục thực hiện (có điều chỉnh) các khoản hỗ trợ cho các hãng hàng không. Cụ thể, triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các hãng cải thiện khả năng thanh toán (gói tín dụng 25.000 - 27.000 tỷ đồng), tiếp tục xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tới hết năm 2024.

Hàng không kiến nghị gói vay ưu đãi 25.000 - 27.000 tỷ đồng
Hàng không kiến nghị gói vay ưu đãi 25.000 - 27.000 tỷ đồng

Tiếp tục hỗ trợ về giảm phí, lệ phí với một số hoạt động và dịch vụ hàng không (phí sử dụng sân đỗ với máy bay của các hãng hàng không Việt Nam, phí cất/hạ cánh…).

Thực hiện việc giảm 50% phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay và tiếp tục giảm giá điều hành bay, giãn thuế và các nghĩa vụ tài chính với từng doanh nghiệp, áp dụng tiếp khung giá với mức tối thiểu 0 đồng với dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước đến hết tháng 12/2021.

Giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay (tối thiểu giảm 70%) trong năm 2021…

Về việc mở rộng thị trường quốc tế, Hiệp hội Hàng không kiến nghị từng bước mở cửa cho các chuyến bay từ các nước có lượng hành khách lớn hoặc có tiềm năng lớn về hành khác đã được kiểm soát dịch bệnh tới Việt Nam và ngược lại.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu đánh giá tác động của dịch tới sự phát triển của ngành về ngắn hạn và dài hạn nhằm đổi mới công tác quản lý. Cùng với đó là đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cho phép các hãng hàng không triển khai hoạt động kinh doanh linh hoạt, đẩy mạnh xúc tiến du lịch, triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa.

Tâm An