Thị trường mỹ phẩm xách tay, những năm gần đây trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Chỉ cần gõ từ khóa “mỹ phẩm xách tay” vào google, sau 0.47s, công cụ tìm kiếm này đã cho ra vô số kết quả. Đó là những website, những shop online được giới thiệu là nơi cung cấp các mặt hàng mỹ phẩm của Mỹ, Úc, Pháp, Singapore, Thái Lan… Đa phần thông tin về sản phẩm được công bố trên các website này, rất mập mờ, khiến người mua hàng khó phân biệt được đâu là sản phẩm chính hãng, đâu là hàng giả, hàng kém chất lượng.

Lần theo thông tin trên mạng, PV đã tìm đến một cửa hàng chuyên bán mỹ phẩm xách tay tại địa chỉ Kiot số 8 – tòa nhà HH1C – KĐT Linh Đàm – Hà Nội. Tại đây, một tấm biển với dòng chữ “HTMart Hàng Thái Lan” được treo trang trọng trước cửa hàng.

Vào bên trong, PV không khỏi choáng ngợp trước sự đa dạng cũng như số lượng các mặt hàng được bày bán tại đây. Từ sữa rửa mặt, kem tẩy da chết… cho đến kem đánh răng, dầu gội… đều là những sản phẩm được các nhân viên giới thiệu là hàng xách tay Thái Lan.

Hàng Thái Lan HT Mart Linh Đàm: Mỹ phẩm nhập lậu gắn mác hàng xách tay? - Hình 1

Sản phẩm không nhãn phụ, mập mờ nguồng gỗ xuất xứ, nhưng vẫn được bày bán công khai tại HTMart hàng Thái Lan tại KĐT Linh Đàm

Trên tay sản phẩm KDR sensodyne xanh hàng Anh, có giá 39.000 đồng, PV được giới thiệu đây là loại kem đánh răng xách tay từ Thái Lan.

Theo quan sát, các thông tin trên hộp của sản phẩm này toàn bộ bằng tiếng nước ngoài, không có một dòng chữ nào bằng tiếng Việt để người mua hàng có thể biết được nguồn gốc xuất xứ hay các thành phẩn của sản phẩm. Bởi theo quy định, các sản phẩm nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt và phải có đầy đủ thông tin của nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu, phân phối.

Một sản phẩm khác là sữa rửa mặt gạo Civic Rice milk Thái Lan 180m, có giá 25.000 đồng. Thông tin trên hộp của sản phẩm này, được thể hiện bằng 2 thứ tiếng khác nhau, hoàn toàn không có những thông tin quan trọng như thành phần, nguồn gốc xuất xứ; thông tin tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm thì hoàn toàn không có.

Tương tự, sản phẩm Green Tea Peeling Giel, dù được giới thiệu là kem tẩy da chết, nhưng trên hộp cũng như vỏ của lọ kem này, hoàn toàn không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, không có thông tin về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Hàng Thái Lan HT Mart Linh Đàm: Mỹ phẩm nhập lậu gắn mác hàng xách tay? - Hình 2

Kem đánh răng Sensodyne không có bất kỳ thông tin nào về nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu, phân phối...

Thắc mắc về nguồn gốc xuất xứ cũng như nhãn mác của các sản phẩm, PV được một nhân viên cửa hàng này cho biết: “Hàng về có đợt dán có đợt không dán. Vì có những đợt hàng hết thì sẽ được chuyển đi luôn".

Chỉ tay về dãy các sản phẩm để trên kệ, nhân viên bán hàng khẳng định với PV: Lô mới về là không có nhãn phụ, còn lô cũ thì có (?!).

Việc các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trôi nổi trên thị trường mà không bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của những người sử dụng, mà Nhà nước còn thất thu một khoản thuế không nhỏ từ những hoạt động kinh doanh không bị kiểm soát này.

Người sử dụng sẽ ra sao, nếu mua phải những mặt hàng dởm, không được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành trên thị trường?

Và khi một sự cố xảy ra, thì tổ chức/cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm đối với khách hàng?

Một vấn đề cũng được đặt ra là, bằng cách nào đó mà các mặt hàng không đảm bảo các yêu cầu theo quy định của pháp luật vẫn được lưu hành và bày bán công khai trên thị trường?

Cơ quan quản lý thị trường ở đâu, khi mà những sản phẩm có dấu hiệu hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan, nhưng không bị phát hiện, xử lý?

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc

PV