Hàng rong tràn lan “bao vây” tuyến phố
Vào mỗi chiều tối cuối tuần, chỉ cần bước chân đến khu vực quanh Hồ Gươm, từ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, đền Ngọc Sơn cho đến phố Hàng Khay, Tràng Tiền… là có thể dễ dàng bắt gặp hàng dài quầy hàng rong nối đuôi nhau. Những chiếc xe đẩy nhỏ nhắn, thậm chí chỉ là mâm đồ ăn kê vội trên thùng xốp, bán đủ thứ: xúc xích chiên, nem chua rán, bánh tráng trộn, xoài lắc, trà sữa tự pha, nước trái cây đủ màu...

Một tiểu thương tên Tâm (35 tuổi), bán bánh tráng trộn gần tượng đài Lý Thái Tổ, chia sẻ, “cuối tuần khách đông, tôi bán cả trăm suất là chuyện bình thường. Toàn là giới trẻ và khách du lịch thích ăn vặt. Quan trọng là nhanh, rẻ, ngon miệng”.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là toàn bộ quá trình chế biến từ cắt nguyên liệu, trộn gia vị đến đóng gói đều được thực hiện ngay trên vỉa hè, thiếu găng tay, không có bất kỳ biện pháp bảo hộ nào cho thực phẩm. Các loại sốt, gia vị, dầu ăn cũng không hề có nhãn mác rõ ràng.
Với mức giá chỉ từ 10.000 – 25.000 đồng/món, đồ ăn vặt ở phố đi bộ là lựa chọn yêu thích của nhiều người. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, không ít hàng rong sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, nhiều sản phẩm được bảo quản sơ sài, phơi ngoài nắng nóng hoặc gió bụi trong nhiều giờ.
“Thấy trẻ con thích ăn nên tôi cũng mua cho cháu một cây xúc xích. Nhưng thú thật là nhìn cái chảo dầu đen ngòm với mấy cây xúc xích không rõ nguồn gốc, tôi cũng hơi lo”, bà Nguyễn Thị Lan, một người dân sống ở quận Hoàn Kiếm chia sẻ với vẻ mặt không yên tâm.
Không chỉ riêng bà Lan, nhiều du khách và người dân cũng bày tỏ sự lo ngại tương tự. Chị Vũ Thị Vững, một người dân nhà tại quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ, “tôi thấy Hồ Gươm rất đẹp và văn minh, nhưng mấy hàng xúc xích này nhìn mất vệ sinh quá. Tôi không dám mua dù con tôi rất thích”.

Tại một xe đẩy trên đường Đinh Tiên Hoàng, chúng tôi ghi nhận hình ảnh người bán hàng, một phụ nữ trung niên, vừa thoăn thoắt nhận tiền từ khách, vừa dùng tay không gắp những xiên xúc xích đã chiên đặt vào túi nilon.
Quan sát kỹ hơn, chúng tôi nhận thấy chiếc chảo dầu đã chuyển sang màu đen sẫm, bốc lên mùi khét khó chịu. Bên cạnh đó, những chiếc xúc xích sống được đựng trong một thùng xốp không nắp, đặt ngay dưới chân người bán, tiếp xúc trực tiếp với nền đất bụi bẩn.
Tại một điểm bán khác trên phố Lê Thái Tổ, tình trạng còn đáng lo ngại hơn. Một thanh niên trẻ tuổi vừa hút thuốc lá, vừa thao tác chế biến xúc xích. Tàn thuốc rơi xuống gần khu vực chế biến nhưng không hề được dọn dẹp. Nguồn nước được người này sử dụng để rửa tay và dụng cụ cũng chỉ là một xô nước nhỏ đặt dưới gầm xe, không rõ nguồn gốc và mức độ vệ sinh.
Nguồn gốc mập mờ, giấy tờ “vô hình”...
Trong quá trình tiếp cận các chủ xe đẩy, phóng viên đã đặt câu hỏi về nguồn gốc xuất xứ và giấy tờ kiểm định chất lượng của xúc xích. Đa phần người bán đều tỏ ra lảng tránh hoặc chỉ trả lời một cách chung chung.
"Xúc xích này tôi lấy ở chợ đầu mối, loại nào rẻ thì lấy thôi. Bán ở đây chủ yếu là khách vãng lai, giá rẻ thì người ta mua", một chủ xe đẩy trên đường Lê Thái Tổ tiết lộ. Khi được hỏi về giấy tờ chứng minh nguồn gốc và an toàn thực phẩm, người này chỉ cười trừ và nói: "Cái này thì tôi không có".

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các xe đẩy bán xúc xích tại khu vực Hồ Gươm đều hoạt động tự phát, không có giấy phép kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Điều này đồng nghĩa với việc chất lượng và nguồn gốc của các sản phẩm này hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng thức ăn đường phố hiện nay không đảm bảo, nhiều nơi ưu tiên lợi nhuận, bỏ qua sự an toàn của người dùng.
Như với các hàng bán viên chiên, xúc xích... đa phần dùng thực phẩm không rõ nguồn gốc, người bán không tuân thủ quy trình chế biến. Phần lớn bán ở nơi nhiều bụi bẩn, gần bãi rác không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, 70-80% thức ăn đường phố, bao gồm cả đồ ăn vặt ở cổng trường được xác định bị nhiễm khuẩn Ecoli. Đây là loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn tả.

Thực trạng mất an toàn thực phẩm từ các gánh hàng rong, xe đẩy bán xúc xích, cá viên, hoa quả... tại phố đi bộ Hồ Gươm không chỉ là vấn đề của riêng người tiêu dùng mà còn là một bài toán khó đối với các cơ quan quản lý. Việc thiếu quy hoạch cụ thể, sự chồng chéo trong quản lý giữa các ban ngành và lực lượng chức năng, cùng với ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế của một bộ phận người kinh doanh đã tạo ra những lỗ hổng lớn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Hậu quả của việc buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm là vô cùng nghiêm trọng. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm, các bệnh về đường tiêu hóa luôn rình rập người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em. Bên cạnh đó, hình ảnh những gánh hàng rong nhếch nhác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị và trải nghiệm của du khách khi đến với Hồ Gươm.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn để chấn chỉnh tình trạng này. Cần có những quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các gánh hàng rong, xe đẩy bán hàng trên phố đi bộ. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Hồ Gươm không chỉ là một địa điểm vui chơi giải trí mà còn là bộ mặt của Thủ đô. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại khu vực này không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn nâng cao hình ảnh một Hà Nội văn minh, hiện đại và đáng sống trong mắt du khách trong nước và quốc tế. Đã đến lúc cần có những hành động quyết liệt và hiệu quả để “trái tim” của Hà Nội thực sự là một điểm đến an toàn và đáng tin cậy.
Thiên Trường