Hoạt động mua bán vàng trên mạng… “nở rộ”
Trước nhu cầu mua bán vàng nhẫn, vàng miếng tăng cao, trong khi lượng bán tại các cửa hàng vàng cho từng cá nhân bị hạn chế, khiến hoạt động mua bán vàng trên các nền tảng mạng xã hội đang diễn ra công khai, rầm rộ…
Theo khảo sát của phóng viên, trên nền tảng mạng xã hội facebook, có hàng chục hội nhóm chuyên giao dịch mua bán vàng của các thương hiệu lớn, như: Bảo Tín Minh Châu, Doji, SJC… với hàng chục, hàng trăm nghìn thành viên tham gia.

Cụ thể, như nhóm “Giao lưu mua bán vàng 9999, BTMC, Doji không qua trung gian” (có 26,9 nghìn thành viên); “Cộng đồng trao đổi - mua bán vàng 9999” (có 62,5 nghìn thành viên); “Trao đổi giao lưu thông tin vàng 9999, BTMC, DOJI, PNJ HN ( không SJC )” (có 124,7 nghìn thành viên)…
Theo đó, mỗi ngày có tới hàng chục các bài đăng mua, bán các loại vàng nhẫn, vàng miếng được các thành viên đăng tải trên các nhóm hội này. Sau mỗi bài đăng, nhận được rất nhiều sự quan tâm, bình luận và nhắn tin riêng để trao đổi về giá.
Đơn cử như, ngày 12/4 tại hội “Trao đổi giao lưu thông tin vàng 9999, BTMC, DOJI, PNJ HN ( không SJC)”, một tài khoản ẩn danh đăng bán 1 cây vàng của Bảo Tín Minh Châu với giá 104,3 triệu đồng/1 cây; 1 cây vàng của Bảo Tín Mạnh Hải với giá 102,9 triệu/1 cây. Theo đó, bài viết này nhận được rất nhiều bình luận liên quan đến hoạt động mua, bán vàng nhẫn và vàng miếng.
Thậm chí, tại một số bài viết đăng bán vàng trên nhóm “Trao đổi giao lưu thông tin vàng 9999, BTMC, DOJI, PNJ HN ( không SJC )”, còn được các thành viên mặc cả giá ngay tại các bài viết. Cụ thể như: Ngày 13/4 một tài khoản đăng: “BÁN 2 Cây Doji - Nhẫn 5 - 103,5, hoá đơn chính chủ từ Doji”, thì một tài khoản ẩn danh đã bình luận mặc cả trực tiếp xuống “1025 ib mình lấy”.
Cùng ngày 13/4, tại nhóm “Cộng đồng trao đổi - mua bán vàng 9999”, một tài khoản ẩn danh cũng đăng bán 1 cây vàng của Bảo Tín Mạnh Hải với giá 103,3 triệu, và được rất nhiều thành viên, bình luận mặc cả trực tiếp xuống 102,5 triệu…

Đáng nói, trên một số hội nhóm này, có rất nhiều tài khoản ẩn danh, thường đăng bán các loại vàng nhẫn, vàng miếng với giá thấp hơn giá vàng tại cửa hàng. Tuy nhiên, khi được hỏi về giấy tờ mua vàng tại các cửa hàng, thì người bán cho biết đã bị mất, và khi được yêu cầu đến cửa hàng vàng để kiểm tra, giao dịch, thì lập tức các tài khoản này báo... đã hết hàng.
Đặc biệt, một số tài khoản ẩn danh đăng bán vàng nhẫn, vàng miếng trên các hội nhóm của mạng xã hội facebook, còn yêu cầu người mua đặt cọc tiền trước khi giao dịch, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro…
Liên quan đến hoạt động mua bán vàng trên mạng, mới đây ngày 22/2 Công ty Bảo Tín Minh Châu đã phát đi cảnh báo về việc vàng nhẫn tròn trơn của thương hiệu này bị làm giả.
Theo doanh nghiệp này cho biết, một trường hợp đã mua của người lạ trong nhóm facebook một vỉ vàng nhẫn tròn trơn, trọng lượng 1 chỉ làm giả nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu, với giá rẻ hơn thị trường, mà không có bất kỳ giấy tờ đảm bảo nào. Khi người mua đến bán vỉ nhẫn này tại một tiệm vàng ở Bắc Ninh, được kiểm tra, soi chiếu, thì mới biết đó là vàng đã bị làm giả tem mác, chất liệu…

Liên quan đến sự việc này, ngày 7/3, Công an TP. Hà Nội cũng đưa ra khuyến cáo, gần đây xuất hiện trường hợp khách hàng mua vàng trên mạng xã hội nhưng nhận phải sản phẩm giả hoặc kém chất lượng.
Theo Công an TP. Hà Nội khuyến cáo, chỉ cần gõ tìm kiếm trên mạng xã hội, sẽ thấy hàng chục diễn đàn “giá vàng, buôn bán vàng, giao lưu vàng miếng, giao lưu vàng SJC, PNJ, DOJI không qua trung gian…”. Tuy nhiên, người dân khi giao dịch vàng cần đến trực tiếp những trung tâm uy tín đã được kiểm chứng.
Mua bán vàng khi chưa được cấp phép, là hành vi vi phạm pháp luật
Theo các chuyên gia khuyến cáo, người dân chỉ nên giao dịch ở những điểm mua bán vàng được Nhà nước cấp giấy phép. Các doanh nghiệp vàng trang sức mỹ nghệ không được cấp phép, nhưng vẫn giao dịch vàng miếng với người dân hoặc người dân tự mua bán với nhau là trái quy định.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo, việc mua bán vàng trên mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Vàng giả, lừa đảo. Giao dịch vàng miếng SJC cần tuân thủ đúng nơi quy định, nên những người mua bán trên các diễn đàn, hội nhóm không được cấp phép là vi phạm pháp luật.
Các doanh nghiệp vàng cũng cảnh báo khách hàng, cần cẩn trọng với những giao dịch bên ngoài cửa hàng. Cần mua vàng ở những địa chỉ uy tín, có đủ giấy tờ đảm bảo nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.

Cũng theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, kinh doanh vàng miếng phải có giấy phép của cơ quan chức năng, nếu giao dịch tại các kênh không chính thống, người mua không chỉ đối diện với nguy cơ mất tiền mà còn có thể vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, công nghệ làm vàng giả, vàng nhái hiện rất tinh vi. Nếu không kiểm tra kỹ, rất dễ gặp rủi ro, nên người dân cần hết sức cẩn trọng hơn trong giao dịch mua bán vàng.
Nhận định dưới góc độ pháp lý, luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh cho biết, theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, chỉ các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới có quyền kinh doanh mua bán vàng miếng. Việc cá nhân hoặc tổ chức không được cấp phép thực hiện giao dịch vàng miếng là trái pháp luật.
Cũng theo theo luật sư Vi Văn Diện, vàng giao dịch qua mạng có thể không rõ ràng về nguồn gốc, không đạt chuẩn chất lượng theo quy định của Nhà nước. Người mua rất dễ gặp tình trạng vàng kém tuổi, vàng giả hoặc vàng pha tạp chất, làm giảm giá trị thực tế của tài sản. Chưa kể việc không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ khiến người mua rất khó chứng minh quyền sở hữu hoặc khiếu nại nếu xảy ra tranh chấp.

“Nếu mua vàng miếng từ các tổ chức, cá nhân không có giấy phép, người mua cũng có thể vô tình tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Nghị định 88/2019, người dân mua bán vàng miếng với các đơn vị không có giấy phép kinh doanh vàng miếng bị phạt cảnh cáo hoặc 10 - 20 triệu đồng nếu vi phạm nhiều lần. Đối với doanh nghiệp, nếu mua bán vàng miếng nhưng không có giấy phép, họ có thể bị phạt 300 - 400 triệu đồng...”, luật sư Vi Văn Diện phân tích.
Khởi tố, xét xử nhiều đối tượng buôn bán vàng giả
Ngày 6/3, Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP, Hà Nội đã khởi tố bị can đối với Lê Thị Thái (41 tuổi, ở phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - Chủ tịch, người đại diện pháp lý cho Công ty cổ phần trang sức Coco Lee Diamond Hà Nội về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, trong thời gian giá vàng tăng cao, bà Thái đã bán vàng thỏi giả cho khách hàng để chiếm đoạt tiền. Ngoài ra, bà Thái còn có dấu hiệu lừa đảo thông qua hình thức huy động vốn, sử dụng vàng giả (vàng thỏi và cây bonsai mạ vàng... ) làm tài sản đối ứng nhằm tạo niềm tin với khách hàng.
Ngày 20/3/2025, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội cũng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm nhóm 6 bị cáo lừa bán vàng giả cho nhiều tiệm vàng trên địa bàn TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Giang. Theo đó, đối tượng cầm đầu là Phạm Mạnh Giỏi (sinh năm 1986, trú tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) và đồng bọn đã mua dây chuyền vàng thật rồi bắt chước chế tạo một dây giả, sau đó quay lại cầm cố tại chính cửa hàng vàng đã mua hoặc bán nhằm chiếm đoạt tiền.
Từ tháng 5/2023 đến tháng 3/2025, nhóm đối tượng này đã lừa đảo bằng hành vi tương tự tại 87 cửa hàng vàng trên địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, chiếm đoạt hơn 3,1 tỷ đồng. Theo đó, đối tượng Phạm Mạnh Giỏi đã bị tuyên phạt 13 năm tù.
Tuấn Ngọc