Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, lũy kế quý I, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 316.632 tỷ đồng, tăng 14,2%.

Riêng tháng Ba, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 109.988 tỷ đồng, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ.

Cũng theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, sản xuất công nghiệp tháng 3/2025 tăng 13,1% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ. Tính chung quý I/2025, chỉ số này tăng 6,8% so với cùng kỳ.

Trong đó, có 22/29 ngành công nghiệp cấp 2 ghi nhận chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ, gồm in và sao chép bản ghi; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; sản phẩm từ cao su và plastic; sản phẩm từ khoáng phi kim loại; thiết bị điện; máy móc, thiết bị. Riêng 4 ngành công nghiệp trọng điểm có mức tăng 5,8% so với cùng kỳ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: Internet)

Chỉ số sản xuất công nghiệp của 3 ngành công nghiệp truyền thống trong quý vừa qua tăng 14,4% so với cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tăng 11,2%.

Theo Chi cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo khởi sắc hơn so với quý IV/2024. Cụ thể, 20,8% doanh nghiệp đánh giá tình hình cải thiện, 46,3% giữ ổn định và 32,9% gặp khó khăn.

Phân theo loại hình, có 66,7% doanh nghiệp Nhà nước, 67,3% doanh nghiệp ngoài Nhà nước và 66,9% doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoà (FDI) đánh giá hoạt động quý 1 tốt lên hoặc ổn định.

Dự báo quý II/2025, 43,1% doanh nghiệp kỳ vọng tình hình sẽ tốt lên, 39,4% giữ ổn định và 17,5% khó khăn hơn. Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước lạc quan nhất với 81%, FDI đạt 85,1% và khu vực ngoài Nhà nước là 81,3%.

Theo số liệu mới công bố của Cục Thống kê, Bộ Tài chính, cả nước có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2025 ước tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 18,3%.

Cũng theo Cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 3/2025 ước đạt 570,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 9,9%; lương thực, thực phẩm tăng 9,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 8,1%; hàng may mặc tăng 5,7%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 16,4%; du lịch lữ hành tăng 25,1% do lượng khách quốc tế đến Việt Nam và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.708,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2024 tăng 8,6%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,5% (quý I/2024 tăng 5,5%).

Doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I/2025 ước đạt 1.311,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,8% tổng mức và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 13,3%; lương thực, thực phẩm tăng 10,1%; may mặc tăng 6,9%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 6,3%...

Hoàng Bách (t/h)